Sáng 5/10, tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Tiệp Hải Phòng, Thường trực Thành ủy Hải Phòng tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (doanh nghiệp FDI) năm 2024.
Hội nghị đối thoại lần này với chủ đề “Doanh nghiệp FDI đồng hành cùng TP Hải Phòng: Đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ; kết nối chuỗi cung ứng trong nước và chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Đại diện các doanh nghiệp FDI đang hoạt động sản xuất, kinh doanh tại TP Hải Phòng có dịp chia sẻ, đề xuất, kiến nghị nhiều vấn đề, lĩnh vực với lãnh đạo Thành ủy, UBND và các sở, ngành thành phố.
Thường trực Thành ủy Hải Phòng tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (doanh nghiệp FDI) năm 2024.
Cam kết mạnh mẽ
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Tiến Châu - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng nhấn mạnh, thông qua Hội nghị, Thường trực Thành ủy cùng lãnh đạo thành phố, các sở, ban, ngành, địa phương đã được lắng nghe những chia sẻ, đề xuất của các doanh nghiệp FDI đại diện cho hơn 900 doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên địa bàn thành phố thuộc nhiều lĩnh vực. Có một số là vấn đề khó, đã tồn tại và chưa được giải quyết thỏa đáng, có vấn đề mới mà pháp luật Việt Nam hiện đang hoàn thiện.
Đối với các kiến nghị chính đáng của doanh nghiệp, Bí thư Thành ủy Hải Phòng yêu cầu các sở, ngành phải xử lý triệt để ngay và thông tin tới doanh nghiệp. Đối với những kiến nghị liên quan đến vướng mắc của luật pháp, Thường trực Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND Thành phố khẩn trương có kiến nghị cụ thể đối với Trung ương, đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ các vướng mắc.
Thường trực Thành ủy giao Ban cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo tổng hợp, theo dõi, đôn đốc và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện các đề xuất, kiến nghị nêu trên.
Ông Lê Tiến Châu - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng phát biểu tại buổi đối thoại.
Theo đánh giá của người đứng đầu Thành ủy Hải Phòng, trong những năm gần đây, Hải Phòng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội; kinh tế tăng trưởng ở mức 2 con số trong 9 năm liên tiếp, là một điểm sáng trong bức tranh chung của cả nước.
Thành phố cũng đã đạt con số tăng trưởng ấn tượng về thu hút FDI, luôn trong top đầu cả nước về số vốn đăng ký đầu tư và có xu hướng ngày càng hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Khối doanh nghiệp FDI đã đóng góp đặc biệt quan trọng vào sự phát triển của Thành phố Hải Phòng, không chỉ về lĩnh vực kinh tế, mà còn cả về xã hội.
“Có thể khẳng định, nguồn vốn đầu tư nước ngoài là một phần quan trọng trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội; Doanh nghiệp FDI là động lực quan trọng, trong phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
Lãnh đạo Thành phố luôn coi các doanh nghiệp FDI là một phần quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp của Hải Phòng và các nhà đầu tư nước ngoài vừa là bạn, là đối tác nhưng cũng chính là những công dân danh dự của Thành phố Hải Phòng.
Doanh nghiệp FDI thành công và phát triển mạnh mẽ thì Hải Phòng mới có thể sớm hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo chỉ đạo của Bộ Chính trị. Chúng ta có chung mục tiêu, lý tưởng và trách nhiệm chung tay phát triển doanh nghiệp FDI, đóng góp chung vào sự phát triển của Thành phố Hải Phòng và đất nước”, ông Lê Tiến Châu nhấn mạnh.
Từ đó, tại buổi đối thoại hôm nay, người đứng đầu Thành ủy Hải Phòng thay mặt lãnh đạo thành phố cam kết, sẽ luôn đồng hành và dành sự quan tâm đặc biệt, sự hỗ trợ thực chất, hiệu quả để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của khối doanh nghiệp FDI.
Thường trực Thành ủy Hải Phòng lắng nghe những ý kiến từ đại diện các doanh nghiệp FDI
Kêu gọi đầu tư vào Khu kinh tế ven biển phía Nam thành phố
Để thực hiện cam kết nêu trên, Thành phố quyết tâm hiện thực hóa, cụ thể hóa bằng các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để Thường trực Thành ủy tập trung chỉ đạo thời gian tới, trong đó Hải Phòng sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ thành lập, mở rộng các Khu công nghiệp, Khu kinh tế, đặc biệt là thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam; xác định đây là động lực mới cho phát triển kinh tế thành phố, là nơi “làm tổ” của các doanh nghiệp FDI công nghệ cao, thu hút các dòng vốn phát triển bền vững.
Hải Phòng cũng sẽ thúc đẩy thủ tục thành lập Khu Thương mại tự do thế hệ mới với cơ chế ưu đãi vượt trội thu hút các dòng vốn ngoại, các tập đoàn toàn công nghệ đến đầu tư. Thành phố sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng logistics, giao thông đối nội, đối ngoại kết nối hệ thống cảng biển, các khu kinh tế, khu công nghiệp, sân bay, đường sắt tốc độ cao, đường bộ cao tốc...
Bên cạnh đó, TP Hải Phòng sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp FDI thực hiện các dự án tại Hải Phòng về địa điểm, quy hoạch, đất đai, môi trường, lao động, phòng cháy chữa cháy...
Thường trực Thành ủy giao Ban cán sự Đảng UBND Thành phố chỉ đạo nghiên cứu xây dựng cơ chế Một cửa khi doanh nghiệp FDI thực hiện thủ tục dự án, không để doanh nghiệp phải qua lại nhiều cơ quan để thực hiện các thủ tục dự án tại Hải Phòng.
Thành phố cũng sẽ tập trung phát triển nhà ở chất lượng cao và nhà ở xã hội, hệ thống trường học quốc tế, bệnh viện quốc tế, các khu vui chơi, giải trí, du lịch chất lượng cao, nhà ở tiện ích… để các nhà đầu tư và gia đình có thể yên tâm ổn định cuộc sống, làm việc lâu dài tại Hải Phòng; biến Hải Phòng thành Thành phố đáng sống, là quê hương thứ 2 của nhà đầu tư và gia đình.
Lãnh đạo các doanh nghiệp FDI phát biểu ý kiến.
Liên quan đến vấn đề năng lượng, từ kinh nghiệm khắc phục các sự cố trong và sau cơn bão Yagi, Thành phố sẽ chỉ đạo xây dựng phương án cung ứng điện ứng phó trong tình trạng khẩn cấp, hạn chế tối đa tình trạng dừng, mất điện đột ngột ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp; huy động các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình cấp điện trên địa bàn.
Cũng thông qua hội nghị đối thoại lần này, Thường trực Thành ủy Hải Phòng cũng lưu ý, các doanh nghiệp FDI muốn phát triển bền vững, gắn bó lâu dài với TP Hải Phòng cần luôn nêu cao ý thức thượng tôn pháp luật, tuân thủ nghiêm túc và đầy đủ các quy định của pháp luật trong đầu tư kinh doanh và các nghĩa vụ với Nhà nước và xã hội; chấp hành nghiêm chính sách thuế của Nhà nước, ưu tiên thành lập doanh nghiệp và chi nhánh có trụ ở tại Hải Phòng để đóng góp trực tiếp cho Thành phố.
Lãnh đạo Thành phố sẽ quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện ở mức cao nhất cho các doanh nghiệp FDI thực hiện tốt việc xây dựng chuỗi cung ứng trong nước, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa và giá trị sản phẩm sản xuất tại thành phố; liên kết, hợp tác, đặt hàng đào tạo và sử dụng lao động với các cơ sở đào tạo của Thành phố.
Đồng thời, Thành phố sẽ có chính sách ưu đãi đặc biệt cho các doanh nghiệp FDI phát triển trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại TP Hải Phòng. Do đó, đề nghị các doanh nghiệp FDI quan tâm, thực hiện định hướng nêu trên của Lãnh đạo Thành phố.
Cũng theo người đứng đầu Thành ủy Hải Phòng, dự kiến trong năm 2024, Hải Phòng sẽ thành lập Khu kinh tế ven biển Nam Hải Phòng theo mô hình khi kinh tế sinh thái, bền vững thế hệ mới (3.0). Khu kinh tế mới có lợi thế rất đặc biệt về khả năng kết nối với thế giới và trong nước, nổi bật là sân bay Tiên Lãng, cảng Nam Đồ Sơn, hệ thống đường sắt, đường bộ cao tốc.
Do đó, lãnh đạo TP Hải Phòng khuyến khích và chào đón các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Khu kinh tế ven biển Nam Hải Phòng; các doanh nghiệp FDI sẽ được hưởng chính sách ưu đãi cao nhất, thủ tục thông thoáng nhất và sự ủng hộ chính trị của Lãnh đạo và các ban, sở, ngành của Thành phố, ưu tiên các dự án thân thiện môi trường, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, giảm thiểu phát thải carbon.
“Thay mặt Lãnh đạo TP Hải Phòng, tôi xin một lần nữa khẳng định tinh thần sẵn sàng đồng hành, tạo mọi điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp phát triển, các doanh nghiệp đều nhận được sự quan tâm bình đẳng như nhau, sự thành công của các doanh nghiệp chính là sự phát triển của thành phố Hải Phòng, là sự thành công của chính quyền”, ông Lê Tiến Châu khẳng định.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng, hiện nay, trên địa bàn TP Hải Phòng có 985 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 31 tỷ USD, trong đó, các dự án đầu tư tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp với tỷ lệ trên 83% về số vốn đầu tư; các dự án đầu tư lĩnh vực kinh doanh bất động sản và cơ sở hạ tầng chiếm 14% về số vốn đầu tư; số còn lại là các dự án đầu tư lĩnh vực thương mại dịch vụ, vận tải, khai khoáng.
Kể từ khi mở cửa thu hút vốn đầu tư nước ngoài đến nay, các doanh nghiệp FDI luôn là nhân tố đóng góp tích cực đối với phát triển kinh tế cũng như các hoạt động xã hội của thành phố thông qua việc góp phần quan trọng trong gia tăng vốn đầu tư phát triển, đóng góp ngân sách thành phố, đẩy mạnh xuất khẩu, nhập khẩu, tạo việc làm cho người lao động với chế độ đãi ngộ tốt gắn với đào tạo, nâng cao năng suất lao động và trình độ kỹ thuật.