Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Hai ngày, hơn 600 tài xế vi phạm nồng độ cồn, nộp phạt hơn 800 triệu đồng

(VTC News) -

Sau 2 ngày áp dụng mức phạt mới theo Nghị định 100/2019, CSGT toàn quốc xử lý 615 trường hợp vi phạm nồng độ cồn và phạt tiền hơn 816 triệu đồng.

Ngày 4/1, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an cho biết, sau 2 ngày (1- 2/1) thực hiện Nghị định 100/2019 của Chỉnh phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, lực lượng CSGT trên toàn quốc phát hiện, xử lý 615 trường hợp vi phạm nồng độ cồn và phạt tiền hơn 816 triệu đồng.

Tài xế ô tô mặt đỏ ửng bị CSGT kiểm tra nồng độ cồn.

Theo ghi nhận của PV VTC News, trong các đợt ra quân của lực lượng CSGT có nhiều tài xế ô tô bị phạt tới 35 triệu đồng, tước giấy phép lái xe (GPLX) 23 tháng; người đi xe máy bị phạt 7 triệu đồng sau khi uống 2 chén rượu với bạn "nhậu".

Điển hình ngày 1/1, tổ công tác thuộc Đội tuần tra cao tốc số 3 (Cục CSGT) ra quân làm nhiệm vụ tại km188+300 tuyến Pháp Vân - Ninh Bình, kiểm tra hàng loạt xe tải.

Tại đây, lực lượng kiểm tra nồng độ cồn với tài xế xe tải BKS: 29C-45xx là Lê Khắc T. nhưng lái xe này bất hợp tác. Sau nhiều lần giải thích kế hoạch thực hiện xử phạt theo Nghị định 100, tài xế T. mới chấp hành.

Kết quả kiểm tra tại chỗ, tài xế Lê Khắc T. vi phạm nồng độ cồn mức 0,719 miligam/lít khí thở (vượt khung phạt cao nhất 0,4 miligam/lít khí thở). Tổ cảnh sát lập biên bản xử phạt hành chính 35 triệu đồng, tước GPLX 23 tháng đối "ma men" này,

Ngày 2/1, tại nút giao Hàng Cót - Phan Đình Phùng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), tổ công tác của Phòng CSGT Hà Nội dừng xe, kiểm tra hàng loạt người lái xe máy.

Ông Nguyễn Văn Duyên (SN 1963, trú huyện Gia Lâm) lái xe máy BKS 29R9-08xx chở bạn vừa rời quán nhậu thì bị CSGT tuýt còi. Kiểm tra tại chỗ, cảnh sát báo ông Duyên vi phạm nồng độ cồn mức 0,489miligam/lít khí thở.

"Tôi bị cảnh sát lập biên bản, xử phạt 7 triệu đồng, tước GPLX 23 tháng và tạm giữ phương tiện trong 7 ngày. Hôm nay, tôi cùng bạn mới chỉ uống 2 chén rượu phải nhận mức phạt nặng. Tôi không ngờ mức phạt giờ cao quá, thế này thì tôi không bao giờ lái xe sau khi uống rượu bia nữa”, ông Duyên nói.

Ông Duyên bị xử phạt 7 triệu đồng, tước bằng lái gần 2 tháng sau khi uống 2 chén rượu rồi lái xe.

Nghị định 100/2019 thay thế Nghị định 46/2016 có hiệu lực từ 1/1/2020, quy định mức xử phạt cao hơn nhiều đối với nhiều vi phạm giao thông, đặc biệt là mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn.

Trước đó, Nghị định 46/2016 quy định xử phạt tối đa từ 16 - 18 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 4 - 6 tháng đối với vi phạm nồng độ cồn.

Còn Nghị định 100/2019 quy định, nếu người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn mức cao nhất (trên 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở) mà lái ô tô sẽ bị phạt từ 30 - 40 triệu đồng, tước GPLX 22 - 24 tháng. Với nồng độ cồn ở mức này, người điều khiển xe máy sẽ bị phạt từ 6 - 8 triệu đồng, tước GPLX 23 tháng.

Các tài xế ô tô vi phạm nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/lít khí thở, sẽ bị phạt từ 16 -18 triệu đồng, tước GPLX 16 - 18 tháng. Tài xế xe máy nếu vi phạm mức nồng độ cồn này sẽ bị phạt từ 4 - 5 triệu đồng.

Còn tài xế ô tô vi phạm nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở, sẽ bị phạt 6 - 8 triệu đồng, tước GPLX 2 - 4 tháng. Nếu vi phạm mức nồng độ cồn này, tài xế xe máy sẽ bị phạt từ tiền từ 2 - 3 triệu đồng.

Người đi xe đạp, xe đạp điện sẽ bị phạt 80 - 100 nghìn đồng khi có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở; Phạt từ 200 - 300 nghìn đồng khi nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở; Phạt từ 400 - 600.000 đồng khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Như Yên

Tin mới