Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Hai dự án giao thông gần chục nghìn tỷ đồng dự kiến khánh thành 'chốt' năm 2023

(VTC News) -

Theo kế hoạch, dự án cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ được khánh thành cuối năm 2023, nâng số dự án được đưa vào khai thác trong năm lên con số 13.

Mới đây, thông tin với VTC News, ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý Đầu tư Xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, thực hiện kế hoạch năm 2023 của Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT), từ đầu năm đến nay, 13 dự án đã hoàn thành các thủ tục đầu tư xây dựng khởi công, trong đó 11 dự án được khánh thành, đưa vào khai thác.

Và dịp cuối năm nay sẽ khánh thành dự án cầu Mỹ Thuận 2 và dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.

 

Dự án cầu Mỹ Thuận 2 dài 7km, là cây cầu hoàn toàn do Việt Nam tự đầu tư; tự thiết kế, thi công; tự quản lý, kiểm tra, giám sát. Mới đây, phần nhịp chính dây văng đã được hợp long vào ngày 14/10.

Phát biểu tại lễ hợp long, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Mặc dù triển khai trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh, giá nguyên liệu tăng, địa hình, thời tiết diễn biến phức tạp...song dự án lại rút ngắn được tiến độ mà vẫn đảm bảo kỹ - mỹ thuật, chất lượng công trình.

 Hiện nay các nhà thầu đang triển khai nốt hạng mục còn lại để hoàn thành đưa vào khai thác vào cuối năm 2023.

 

Cầu Mỹ Thuận 2 được khởi công ngày 16/3/2020, nằm song song với cầu Mỹ Thuận hiện hữu, có tổng vốn đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng bằng ngân sách nhà nước.

Dự án Cầu Mỹ Thuận 2 nằm trên trục đường cao tốc từ TP.HCM đi Cần Thơ, kết nối hai tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ, nối liền hai tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang, là trục đường huyết mạch, có lưu lượng giao thông lớn bậc nhất trong các trục quốc lộ chính trong khu vực.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, nhịp chính cầu Mỹ Thuận 2 với kết cấu dây văng khẩu độ 350 m, tĩnh không thông thuyền 37,5 m, bề rộng mặt cầu 28 m (gồm 6 làn xe), lần đầu tiên do đội ngũ các kỹ sư, công nhân Việt Nam thực hiện hoàn toàn từ khâu lập dự án, thiết kế cho đến thi công.

Dự án triển khai thi công trong thời điểm xảy ra đại dịch COVID-19 năm 2020 và 2021, tác động kép do biến động chính trị trên thế giới khiến giá nhiên liệu tăng cao và tăng giá vật liệu (sắt, thép, đá, xi măng…) đã làm ảnh hưởng đến công tác thi công, triển khai dự án.

Mặt khác, các khó khăn khách quan về mặt kỹ thuật trong quá trình thi công các hạng mục phức tạp của cầu chính, điều kiện về thời tiết ảnh hưởng không nhỏ đến kỹ thuật thi công hệ dầm và dây văng, tất cả các yếu tố trên đã đặt ra nhiều thách thức đối với Ban Quản lý dự án 7 cùng đơn vị tư vấn và nhà thầu thi công.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại lễ hợp long cầu Mỹ Thuận 2 ngày 14/10/2023.

 

Dự án cuối cùng dự kiến khánh thành trong năm 2023 là cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, lũy kế sản lượng đến nay đạt 72% giá trị hợp đồng. Dự án đã cơ bản hoàn thành công tác xử lý nền đất yếu, đang chuyển sang giai đoạn hoàn thiện nền, mặt đường…để hoàn thành đưa vào khai thác cuối năm nay.

 

Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có tổng chiều dài gần 23km, đi qua địa bàn hai tỉnh Vĩnh Long (12,53km) và Đồng Tháp (10,44km). Quy mô gồm 6 làn xe, nền đường rộng 32,25m.

Giai đoạn 1, dự án được đầu tư quy mô 4 làn xe, rộng mặt đường 17 m. Tổng mức đầu tư dự án là 4.826 tỷ đồng, được khởi công năm 2021, dự kiến hoàn thành ngày 31/12/2023.

Dự án cuối cùng dự kiến khánh thành trong năm 2023 là cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.

“Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ GTVT, Cục Quản lý Đầu tư Xây dựng đã kiểm tra, theo dõi sát sao dự án, cử các cán bộ có mặt tại hiện trường để nắm bắt tình hình thực hiện, đôn đốc tiến độ, kiểm soát tiến độ hai dự án nêu trên theo từng ngày, bảo đảm hoàn thành vào cuối năm 2023. Đến nay các nhà thầu đang bám sát kế hoạch đề ra”, Cục trưởng Lê Quyết Tiến nói.

Nói về những khó khăn khi thực hiện hai dự án trọng điểm cuối cùng của năm 2023, ông Tiến cho biết, hai dự án nêu trên cũng như các dự án thành phần khác thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017- 2020 đã gặp một số khó khăn chung. Đó là triển khai trong giai đoạn cả nước tập trung phòng chống đại dịch COVID-19, nhiều thời điểm giãn cách xã hội, không thể huy động nhân sự, vận chuyển máy móc vào công trường.

Diện tích giải phóng mặt bằng lớn, ảnh hưởng đến quyền lợi và sinh kế của người dân nên việc giải phóng mặt bằng, phức tạp kéo dài, có dự án triển khai từ năm 2020 nhưng đến đầu năm 2023 mới xong giải phóng mặt bằng.

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID -19 và xung đột địa chính trị trên thế giới làm giá nhiên liệu, vật liệu có thời điểm tăng cao đột biến; khó khăn về việc khai thác, cung ứng nguồn vật liệu xây dựng thông thường, đặc biệt là cát, đất đắp nền đường.

 

Từ đầu năm đến nay, chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào khai thác của cả nước đã đạt 1.822 km. Trong đó từ đầu nhiệm kỳ (năm 2021) đến nay đã đưa vào khai thác 659 km (riêng tuyến cao tốc Bắc - Nam là 569 km)

Riêng từ đầu năm 2023 đến nay đã khánh thành đưa vào khai thác được 7 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông với chiều dài 503 km.

“Như vậy có thể thấy với sự quyết tâm đồng lòng của cả hệ thống từ Trung ương tới địa phương, chiều dài các dự án đường bộ cao tốc đã hoàn thành trong năm 2023 chiếm tỷ trọng lớn so với cả giai đoạn trước năm 2020”, ông Tiến thông tin.

 
Thành Lâm

Tin mới