Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hai cán bộ công an ở Thái Bình vừa bị bắt đối diện mức án nào?

(VTC News) -

Luật sư chỉ rõ mức án có thể phải nhận của hai cán bộ công an ở Thái Bình vừa bị bắt để điều tra hành vi có dấu hiệu phạm tội làm sai lệch hồ sơ.

Trả lời báo chí, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho hay, cán bộ công an ở Thái Bình làm sai lệch hồ sơ vụ án để bao che cho băng nhóm Đường "Nhuệ" có thể đối mặt tới 10 năm tù. 

Luật sư Cường chỉ rõ, thời gian gần đây một số nơi xuất hiện những băng ổ nhóm tội phạm ngang nhiên công khai đánh người mà không bị xử lý kịp thời khiến dư luận bức xúc, trong đó phải kể đến băng nhóm Nguyễn Xuân Đường (tức Đường "Nhuệ”) ở Thái Bình.

Hành vi Cố ý gây thương tích của đàn em Nguyễn Xuân Đường có thể truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng những người có trách nhiệm trong việc đấu tranh xử lý tội phạm, người thụ lý hồ sơ lại tiếp tay, dung túng cho nhóm này để chuyển hóa thành quan hệ dân sự.

Đường 'Nhuệ' và đàn em Tiến 'Trắng'.

Theo quy định, hành vi Cố ý gây thương tích mà có tính chất côn đồ, sử dụng hung khí nguy hiểm hoặc cố ý gây thương tật cho nạn nhân... tỷ lệ thương tích dưới 11% theo khoản 1, Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999 hoặc khoản 1, Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì mới khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại.

Trường hợp người dùng hung khí nguy hiểm chém đứt gân, cơ của nạn nhân như trong vụ án nêu trên, đối chiếu theo Thông tư số 28/2013/TT-BYT hoặc Thông tư số 22/2019/TT-BYT không thể dưới 11% và không thuộc trường hợp khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại.

Trường hợp người bị hại cố tình không phối hợp để giám định thương tích thì cơ quan điều tra có thể áp dụng biện pháp dẫn giải để thực hiện các thủ tục điều tra.

Tuy nhiên, theo thông tin từ cơ quan chức năng, trong vụ việc này, kẻ côn đồ chém đứt gân, đứt cơ nạn nhân, thương tích nghiêm trọng nhưng vẫn được “dàn xếp” để không xử lý hình sự đối với hành vi có dấu hiệu tội phạm. 

Hành vi không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội, làm sai lệch hồ sơ vụ án là hành vi đến mức phải xem xét xử lý hình sự theo quy định của pháp luật. Thẩm quyền xử lý các tội phạm về chức vụ của những người tiến hành tố tụng thuộc về Cơ quan điều tra của VKSND tối cao.

Căn cứ kết quả điều tra ban đầu của Cơ quan điều tra VKSND tối cao, luật sư Đặng Văn Cường cho biết, những người tiến hành tố tụng trong vụ án này có thể bị xử lý về các tội danh như: Tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội theo Điều 369; tội ra quyết định trái pháp luật theo Điều 371 hoặc tội làm sai lệch hồ sơ vụ án theo Điều 375 Bộ luật Hình sự năm 2015, tùy thuộc vào từng hành vi cụ thể.

"Như vậy, người có chức vụ quyền hạn trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự biết rõ là hành vi có dấu hiệu tội phạm nhưng vẫn cố tình không ban hành quyết định không khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì những người này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh nêu trên. Nếu họ chỉ là điều tra viên, không có thẩm quyền ký các quyết định thì chỉ có thể là người giúp sức trong những vụ án đó.

Ngoài hành vi không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội thì người ban hành các quyết định không khởi tố vụ án mà biết rõ hành vi có dấu hiệu tội phạm thì cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 317 Bộ luật Hình sự năm 2015", luật sư Cường phân tích.

Bên cạnh đó, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp cho hay, cơ quan chức năng sẽ làm rõ hành vi, vai trò, nhận thức của người ký quyết định không khởi tố vụ án trong vụ việc này để xác định hành vi có lỗi hay không, có biết rõ là hành vi có dấu hiệu tội phạm nhưng vẫn cố tình ký quyết định đó hay không để xem xét trách nhiệm hình sự, nếu đủ căn cứ sẽ xử lý hình sự về tội danh này - Tội ra quyết định trái pháp luật.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, đối với tội Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội và tội Ra quyết định trái pháp luật sẽ xử lý với cán bộ lãnh đạo (người có thẩm quyền ký các quyết định trong vụ án hình sự); tội Làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc thì thường xử lý đối với những người tiến hành tố tụng là cán bộ dưới quyền, người trực tiếp làm hồ sơ.

Điều 375 Bộ luật hình sự quy định về tội Làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc: "Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm: Dẫn đến việc kết án oan người vô tội, bỏ lọt tội phạm hoặc người phạm tội; làm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị kết án, người phải chấp hành án, người bị hại, đương sự tự sát; gây thiệt hại 1 tỷ đồng trở lên. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm".

Như vậy, nếu xử lý hình sự đối với hai cán bộ công an nêu trên về tội Làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc thì những người này sẽ phải đối mặt với mức hình phạt từ 10 đến 15 năm tù do hành vi được xác định là có dấu hiệu “bỏ lọt tội phạm”.

Như VTC News đưa tin, ngày 29/10/2020, Cơ quan điều tra VKSND tối cao ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc quy định tại Điều 375 Bộ luật hình sự năm 2015, xảy ra tại Cơ quan CSĐT Công an huyện Vũ Thư (Thái Bình).

Cùng ngày, Cơ quan điều tra VKSND tối cao ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Bằng Giang (SN 1981), Hoàng Hồng Hạnh (SN 1978) cùng là cán bộ Công an huyện Vũ Thư để điều tra về hành vi có dấu hiệu của tội phạm Làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc quy định tại Điều 375 Bộ luật hình sự năm 2015.

Cơ quan điều tra VKSND tối cao bắt tạm giam hai cán bộ này để điều tra về hành vi nêu trên thuộc thẩm quyền thụ lý, giải quyết tại thời điểm các bị can giữ vị trí là cán bộ Công an huyện Vũ Thư.

Minh Khang - Nguyễn Huệ

Tin mới