Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Hai bộ SGK biến mất: Mỗi năm một sách, thầy cô và học sinh bị ảnh hưởng thế nào?

(VTC News) -

Giáo viên mong sách giáo khoa ổn định chứ không phải mỗi năm dạy một bộ khác nhau.

Trong danh mục sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 sử dụng năm học 2021-2022 có ba bộ sách Cánh diều, Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo. Hai bộ Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không còn xuất bản.

Cô Nguyễn Thị Hoa, giáo viên một trường tiểu học ở thành phố Bắc Ninh cho biết, đầu năm học 2020 - 2021, các giáo viên và tổ chuyên môn họp bàn rất nhiều trước khi đưa ra quyết định lựa chọn bộ sách Cùng học để phát triển năng lực (tỷ lệ giáo viên chọn môn Tiếng Việt và Toán là cao nhất) đưa vào giảng dạy.

Giáo viên cũng mất gần 2 tháng tập huấn, nghiên cứu, khẩn trương soạn giáo án bài giảng kịp xong trước khi bước vào năm học mới. Sau gần một năm học triển khai dạy sách mới, giáo viên quen với cách dạy, cách tiếp cận mới, đồng thời cũng có những bài học kinh nghiệm được rút ra để các năm học sau được tốt hơn.

Vì vậy khi biết tin bộ sách này không xuất bản trong năm học tới ở lớp 2 và lớp 6, cô Hoa hoang mang, tiếc nuối, vì bản thân cô bỏ ra nhiều tâm huyết, thời gian vào việc dạy sách giáo khoa bộ Cùng học để phát triển năng lực này.

Giáo viên thảo luận, bình chọn sách giáo khoa. (Ảnh minh hoạ: C.H)

"Nhiều phụ huynh khi biết hai bộ sách biến mất thắc mắc rằng nếu lớp 1 học một bộ sách, lên lớp 2 lại học sách khác, học sinh khó có thể kịp tiếp cận phương pháp giáo dục mới. Là giáo viên tôi cũng thấy lo lắng, không biết trả lời phụ huynh thế nào. Tôi chỉ dám trấn an phụ huynh việc dạy sẽ điều chỉnh linh hoạt không ảnh hưởng đến chất lượng học của học sinh.

Cả phụ huynh và giáo viên đều mong muốn học sinh ổn định tâm lý học và đặc biệt sách giáo khoa cũng phải ổn định không nên xáo trộn mỗi năm một khác", nữ giáo viên chia sẻ.

Năm học mới cận kề, cô Nguyễn Thuý Phượng, giáo viên trường tiểu học ở Sơn Dương Tuyên Quang, sử dụng bộ sách Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục bước đầu đạt được những kết quả nhất định như học sinh tiếp cận kiến thức nhẹ nhàng, rèn thói quen tự học tốt, tự tin xung phong lên bảng hơn... Những tín hiệu đáng mừng đó giúp giáo viên, phụ huynh yên tâm và hy vọng bộ sách sẽ đi theo học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 nhằm đảm bảo tính đồng bộ, xuyên suốt.

Tuy nhiên, giờ đây bộ sách bị "khai tử" khiến cô Phượng và các giáo viên tiếc nuối. Ai cũng băn khoăn lớp 1 dạy một bộ, lớp 2 dạy bộ khác, dù học sinh có hoàn thành phần mục tiêu “cần đạt” theo chương trình giáo dục phổ thông mới, nhưng liệu chất lượng khó đảm bảo khi mạch tiếp cận không còn xuyên suốt. Đồng thời, giáo viên cũng phải tập huấn, nghiên cứu lại bộ sách từ đầu, khá vất vả cho những thầy cô đứng lớp, nhất là những người đảm nhận nhiệm vụ dạy lớp 1 và lớp 2.

Ông Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau cho rằng, hai bộ Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không có sách lớp 2 và lớp 6 sẽ có xáo trộn trong việc dạy và học, đặc biệt là những lứa học sinh từ lớp 1 lên lớp 2. Mức độ xáo trộn, ảnh hưởng ra sao đến học sinh thì chưa thể nói trước. 

Theo ông, kịch bản lớp 1 dạy bộ sách giáo khoa này, lên đến lớp 2 lại dạy bộ sách giáo khoa khác được tính trong quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Quan trọng nhất vẫn là giáo viên dạy học, bám sát vào khung chương trình và yêu cầu cần đạt với học sinh thay vì phụ thuộc vào sách giáo khoa.

Theo đúng tin thần chương trình phổ thông mới, khung chương trình tổng thể là chính, sách giáo khoa chỉ là phụ. Do đó, dù sách giáo khoa có thay đổi thế nào thì mục tiêu chương trình vẫn luôn ổn định, liền mạch và không đổi.

Giáo viên nghiên cứu tài liệu sách giáo khoa. (Ảnh minh hoạ)

Sở GD&ĐT Cà Mau đang chỉ đạo các giáo viên tiểu học nghiên cứu, lựa chọn lại các bộ sách giáo khoa theo tinh thần Thông tư 25 mới của Bộ GD&ĐT. Đó là căn cứ quan trọng để Sở trình UBND tỉnh quyết định chọn bộ sách giáo khoa mới thống nhất từ lớp 1 đến lớp 12 đảm bảo mạch kiến thức, phương pháp giảng dạy không biến động, ổn định. 

Một vị trưởng phòng GD&ĐT ở Hà Giang cho rằng, năm học 2021-2022, hai bộ sách Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục, Cùng học để phát triển năng lực không còn từ lớp 2, do đó sẽ có nhiều trường, nhiều địa phương không chọn tiếp tục dạy từ lớp 1. Việc này gây ra sự lãng phí với những nơi từng chọn hai bộ sách giáo khoa này.

Học sinh ở vùng cao, vùng khó khăn vẫn tận dụng sách giáo khoa lớp trước cho học sinh lớp sau học lại. Nhiều trường vẫn xây dựng tủ sách dùng chung, sau mỗi năm học lại huy động sách cũ để học sinh khóa sau sử dụng. Giờ đây, hai bộ sách biến mất, đồng nghĩa hàng nghìn quyển sách đang dạy ở lớp 1 năm học 2020-2021 sẽ nằm đắp chiếu trong năm học tới. Đó không phải là khoản tiền nhỏ đối với vùng khó khăn.

Minh Khôi

Tin mới