(VTC News) -
"Một người phụ nữ cần được đối xử nhẹ nhàng. Một người vợ cần được kính trọng. Một người mẹ cần được chăm sóc.
.."Liên quan tới việc dư luận bức xúc về sự việc bố và con trai đánh mẹ vừa xảy ra ở Hà Nội
đêm 18/9, tại tổ 45B phường Trương Định, quận Hoàng Mai (Hà Nội)
, PV VTC News đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái - Giảng viên khoa Báo chí, Đại học Khoa học xã hội - nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái |
Theo bà Thái,
đây là sự việc rất phẫn nộ và đáng lên án. Dù gia đình có mâu thuẫn nhưng người bố và người con không được phép cư xử như vậy.
Một người phụ nữ cần được đối xử nhẹ nhàng. Một người vợ cần được kính trọng. Một người mẹ cần được chăm sóc.
Bà Thái còn nhận định, sự việc trên là một sự băng hoại về mặt đạo đức trong cách ứng xử giữa con người với nhau, đặc biệt giữa con với mẹ. Đáng tiếc nó lại xảy ra vào những tháng ngày nhiều người con hiếu thuận khác đang tưởng nhớ về vong hồn của những người mẹ xấu số.
- Người chồng trong bi kịch trên là một giáo viên dạy Toán của một trường THCS giữa Hà Nội, trong khi cậu con trai vào hùa cùng bố cũng là người có học vấn cao. Bà đánh giá thế nào?
Tội ác chẳng trừ bất cứ người nào dù họ có trình độ, học vấn cao thấp ra sao.
Trong một xã hội bị loạn lạc về ứng xử như thế thì ngay cả những người học vấn cao, họ cũng có thể là kẻ độc ác. Điều đó là hoàn toàn bình thường. Vì học vấn cao không có nghĩa là đạo đức tốt.
Nhiều khi nó còn lệch nhau. Nhiều người học vấn càng cao, càng độc ác.
Đối với người con, cần phải trừng trị theo quy định của pháp luật. Phải đặt ra câu hỏi, tại sao trước tuổi trưởng thành không giáo dục con cái đi mà đợi đến khi tội ác hình thành trong nó như một bản chất rồi mới giáo dục? Theo tôi bây giờ mới đi giáo dục lại đã quá muộn!
Pháp luật sẽ trừng trị họ một cách thích đáng. Tội đến đâu phải trị đến đó.
|
- Theo bà, chúng ta cần phải làm gì để ngăn chặn sự phát triển của thực trạng trên?
Một khi đã xảy ra cuộc khủng hoảng tinh thần giữa bố mẹ và con cái thì bố mẹ cũng phải chịu một phần trách nhiệm. Bởi vì khi nuôi con, họ đã chiều quá.
Họ đã không để ý tới viêc con cái phải có hiếu lễ với bố mẹ, không được ngược đãi bố mẹ.
Mà người ta chỉ nghĩ được rằng đã sinh con ra là phải chiều chuộng nó, hi sinh cho nó, nhất là khi cuộc sống có nhiều thay đổi như bây giờ.
Nhiều nhà giàu có không muốn cho con họ khổ nữa bằng mọi giá. Chính vì thế, những đứa trẻ đó trở nên ích kỉ, trở thành kẻ hư đốn.
Một số đứa trẻ vì tính ích kỉ đó mà không thương xót gì bố mẹ, chỉ biết xin tiền tiêu để thỏa mãn lòng ích kỉ của nó. Thậm chí, không ít đứa trẻ còn hận thù bố mẹ mình do không được đáp ứng một nhu cầu, sở thích nào đó.
- Là một người mẹ, bà có lời khuyên nào đối với những bà mẹ đang nuôi con nhỏ khác trong xã hội không?
Pháp luật trừng trị không có nghĩa là sẽ chặn được mọi tội ác trong xã hội. Pháp luật chỉ trừng trị thôi, chứ không thể triệt tiêu hết cái ác trong mỗi người. Pháp luật chỉ được dùng tới khi tội ác đã thành hình, thành khối, đã có “kết quả” và nó chỉ là phần cuối của cả một quá trình thôi.
Vậy nên, tốt nhất hãy chặn ngay lại mọi tội ác từ khi nó còn đang phôi thai, lúc mới thành hình. Với trẻ em, phải biết con đường đi của chúng để giáo dục từ nhỏ.
Khi mà tội ác cứ nảy sinh như nấm ấy thì chúng ta phải nghĩ vì sao lại như thế và đẩy lùi nó ra sao chứ.
Xã hội cũng phải quan tâm và phải có những hành động phòng chống tội ác ngay từ khi nó mới hành hình ấy.
Riêng với các bà mẹ thì không nên cho trẻ con học cái ác từ lúc còn bé. Tức là đừng bao giờ để chúng có những hành động tàn bạo như giết mèo, giết chó, đâm, bấu bẻo các bạn…
Nếu không được giáo dục tới nơi tới chốn, trẻ sẽ không thể phân biệt được cái nào là cái ác, cái nào là cái hiền, việc gì nên làm, việc gì không nên làm.
- Xin cảm ơn!
Minh Quân