Vui mừng khi con gái sắp được đến trường gặp thầy cô, bạn bè sau gần 7 tháng nghỉ dịch, nhưng chị Lê Vân Anh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng lo lắng và lưỡng lự khi có ngày thành phố ghi nhận hơn 500 ca COVID-19. Con gái chị năm nay vào lớp 10, từ đầu năm học đến nay con chỉ được nhìn cô giáo, bạn bè qua màn hình máy tính. Biết tin được đến trường con gái chị mong ngóng từng ngày.
"Giáo viên chủ nhiệm lớp các con tôi đã khảo sát ý kiến 'phụ huynh có sẵn sàng cho con đi học trở lại?'. Bên cạnh gia đình mong mỏi con đến trường thì nhiều gia đình lại chưa muốn, có thể vì họ chưa thấy yên tâm. Tôi nghĩ trường có thể mở cửa dần cho phụ huynh có nhu cầu, kết hợp dạy trực tuyến cho các em ở nhà", chị Vân Anh nói.
Học sinh hào hứng chờ ngày đi học trở lại.
Từ khi Hà Nội bùng phát dịch hồi đầu tháng 6, gia đình chị Trần Thị Hồng gửi hai con lớp 5 và 11 về quê cùng ông bà ở Thanh Hoá. Dù học sinh Thanh Hoá được đi học trực tiếp nhưng chị không đăng ký cho con học ở đây, chấp nhận "được chữ nào hay chữ đó".
Nghe tin con gái lớn thuộc nhóm học sinh được trở lại trường từ 6/12, chị phấn khởi vì con không phải chịu cảnh học "chữ được chữ mất" nữa. Chưa kể, gia đình xa nhau đã lâu, chị cũng mong sớm được đoàn tụ.
Theo quyết định của Hà Nội, học sinh khi trở lại trường chỉ học một buổi và chưa triển khai dịch vụ bán trú. Chị không thể đưa đón con giữa ngày hay lo bữa trưa vì hai vợ chồng đều làm việc xa nhà. Chị Hồng tính đón ông bà xuống cùng để hỗ trợ cơm nước buổi trưa và đưa hai cháu đi học. Còn nếu ông bà bận, chị sẽ thuê người đón con, cơm nước thì nấu sẵn từ sáng để các con ăn trưa.
Người mẹ càng bất an hơn khi những ngày gần đây, Hà Nội liên tiếp ghi nhận hàng trăm ca mắc mới, nhiều F0 cộng đồng. Nhỡ chẳng may tới trường, một học sinh nhiễm nCoV là nguy cơ lây lan ra cả lớp cả trường rất nhanh. Khi đó các con còn nhỏ, phải đi cách ly, xa bố mẹ rất tội.
Chị và chồng đã chuẩn bị khẩu trang, kính chắn giọt bắn, nước rửa tay sát khuẩn, bình nước giữa nhiệt, tăng cường cho con uống nước cam và dặn con hạn chế tối đa tụ tập ở sân trường, sau giờ học để đảm bảo an toàn.
Hồi hộp mong gặp bạn bè
Biết tin được đi học trực tiếp, Thu Uyên (trường THPT Việt Đức) mừng rỡ lập tức chia sẻ thông tin trên trang cá nhân: "Sắp được "giải phóng" rồi. Các bạn của tôi ơi đã chuẩn bị quần áo để gặp lại nhau chưa 12A4?"
Đến trường, Uyên thoát cảnh chật vật mỗi sáng khi học online vì rớt mạng liên tục. Đặc biệt, đây là năm nay cuối cấp, em muốn đến trường càng sớm càng tốt để học tập tốt hơn, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quan trọng sắp tới.
Trước ngày trở lại trường, Thu Uyên vẫn khá lo lắng khi không học trực tiếp 7 tháng, không biết liệu em có thể nhanh chóng bắt nhịp trở lại, nhất là khi tự đánh giá bản thân bị hổng nhiều kiến thức. Trong khi đó cuối kỳ đang đến gần.
Chung tâm trạng, nữ sinh Hoàng Thanh Trà, lớp 10 trường THPT Trương Định khấp khởi khi hay tin thành phố cho phép học sinh cấp THPT trở lại trường. Trà tự đánh giá việc học online của bản thân chỉ đạt hiệu quả khoảng 50%, nhiều kiến thức không nắm chắc, còn mơ hồ, chủ yếu phải tự tìm tòi học.
"Từ khi bắt đầu năm học mới đến nay, em mới làm quen được với ba bạn cùng lớp. Ngay cả cô giáo chủ nhiệm lớp cũng chưa được gặp nên em thấy hồi hộp, mong chờ tuần tới đến thật nhanh. Các bạn trong lớp đều được tiêm vaccine COVID-19 nên hoàn toàn yên tâm để tới trường", nữ sinh chia sẻ.
Ngày 2/12, UBND TP Hà Nội đồng ý cho toàn bộ học sinh THPT và một số khối lớp khác đi học trực tiếp từ thứ Hai ngày 6/12. Quyết định mở cửa trường học được xem xét thận trọng dựa trên mức độ dịch, độ phủ vaccine với học sinh và kinh nghiệm mở cửa các trường trước đó.
Theo đó, kế hoạch này được triển khai ở các xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã mức độ dịch cấp độ 1 và 2. Ngoài bậc THPT, học sinh lớp 9 tại 18 huyện ngoại thành tiếp tục học trực tiếp. Các khối còn lại học trực tuyến đến khi có thông báo mới, còn học sinh mầm non nghỉ tại nhà.
Để đảm bảo an toàn khi tổ chức học trực tiếp, giáo viên chưa tiêm đủ hai mũi vaccine phòng COVID-19 chỉ dạy trực tuyến. Các trường không tổ chức ăn bán trú, căng tin ăn uống trong trường, học sinh tự mang theo nước uống cá nhân, chỉ tổ chức việc dạy học trực tiếp một buổi/ngày.