Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

‘Hà Nội cần mạnh dạn cho trẻ học cả ngày, tránh xáo trộn lịch của cha mẹ’

(VTC News) -

Chuyên gia cho rằng, với thực tế hiện nay Hà Nội nên mạnh dạn cho trẻ học tại trường cả ngày, tránh xáo trộn lịch làm việc của cha mẹ.

“Thời điểm này Hà Nội nên mạnh dạn quyết định cho trẻ học trực tiếp cả ngày tại trường để tránh làm xáo trộn lịch làm việc của cha mẹ”, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nói. 

Các bậc phụ huynh cũng nên yên tâm khi cho con đi học ở trường. Các trường đã tăng cường các biện pháp phòng bệnh và quản lý rủi ro, hạn chế tiếp xúc lớp này với lớp kia. Khi không may có học sinh mắc, cơ quan chức năng sẽ khoanh vùng được tốt hơn.

Vị chuyên gia này nhận định, với tình hình hiện nay thì việc cho trẻ trở lại trường học trực tiếp là hoàn toàn hợp lý. Vừa qua, dù trẻ ở nhà những nhiều gia đình vẫn để trẻ đi khắp nơi, lây nhiễm trong cộng đồng không tránh khỏi. Trở về nhà, nếu gia đình không quản lý được thì việc lây nhiễm giữa các thành viên trong nhà hoàn toàn có thể xảy ra.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam.

Ngoài ra, dịp Tết Nguyên đán có không ít bậc cha mẹ cho con về quê, đi chơi, thăm hỏi hay đi du lịch… Những hoạt động này cũng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao.

“Ngay cả khi ở nhà thì trẻ vẫn có nguy cơ lây nhiễm cao hơn đi học. Trong khi đó, nếu đi học, không may mắc COVID-19, trẻ có thể nghỉ để học trực tuyến. Hơn nữa nhà trường cũng sẽ đảm bảo công tác phòng chống dịch cho các cháu", ông Phu nhấn mạnh.

Chuẩn bị tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi

Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, thời gian tới Bộ Y tế sẽ tiếp tục ban hành các hướng dẫn để tổ chức triển khai tiêm cho trẻ 5-11 tuổi, trong đó đặc biệt lưu ý đến vấn đề an toàn tiêm chủng.

Trẻ sẽ được tiêm vaccine COVID-19 tại các điểm tiêm chủng tương tự như chiến dịch tiêm cho các trẻ từ 12-17 tuổi vừa qua. Trẻ đang đi học được tiêm tại trường. Còn trẻ không đi học sẽ tiêm tại các trạm y tế. Ngoài ra, những trẻ có bệnh lý nền, bệnh lý mạn tính sẽ tiêm tại các bệnh viện để đảm bảo an toàn tiêm chủng.

"Bộ Y tế sẽ tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến chi tiết, cụ thể về các phản ứng, cũng như theo dõi sức khỏe của trẻ sau tiêm. Đồng thời chúng tôi cũng sẽ truyền tải các thông tin này đến cộng đồng, các bậc cha mẹ để phụ huynh cùng tham gia với ngành y tế, cán bộ y tế trong theo dõi sức khỏe của trẻ sau tiêm", bà Hồng nói.

 Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em ở TP.HCM. (Ảnh: Hải Yến) 

Liên quan tới vấn đề tiêm chủng cho trẻ 5-11 tuổi, sáng 9/2, Bộ Y tế cho biết đã giao Viện Chiến lược và Chính sách Y tế khảo sát trực tuyến các phụ huynh có con dưới 12 tuổi tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. 

Kết quả khảo sát hơn 415.000 phụ huynh tham gia cho thấy 60,6% phụ huynh đồng ý tiêm; 7,6% đồng ý nếu yêu cầu bắt buộc; 29,1% cân nhắc và chỉ 1,9% phụ huynh không đồng ý. Bộ Y tế cũng đã chuẩn bị kỹ lưỡng việc tiêm chủng vaccine cho lứa tuổi 5-11 tuổi.

Trả lời báo chí trước đó, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long từng nhấn mạnh tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi là vấn đề quan trọng, không thể nóng vội, mà phải thật an toàn. Việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo. Tuy nhiên đến nay WHO chưa có bất kỳ khuyến cáo chính thức nào về tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi.  

Vì vậy, Bộ Y tế cần làm việc rất thận trọng, khoa học và khách quan trên cơ sở tham khảo tất cả các chương trình tiêm của tất cả các nước. Bộ Y tế cũng thường xuyên, liên tục trao đổi với WHO về vấn đề khoa học trong tiêm vaccine cho trẻ ở độ tuổi này để vừa đảm bảo tính bảo vệ cho trẻ nhưng quan trọng nhất vẫn là tính an toàn. Ngoài ra, trước khi triển khai cũng cần tính đến khả năng chấp nhận của cộng đồng.

Phạm Quý

Tin mới