Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

GS.VS Đào Trọng Thi: 4 kỳ nghỉ mỗi năm không có lợi cho chất lượng giáo dục

GS VS Đào Trọng Thi, Nguyên chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội cho rằng, đề xuất 4 kỳ nghỉ/ năm là không phù hợp và chưa chắc có lợi cho chất lượng giáo dục.

- Thưa ông, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng nên cho học sinh nghỉ 4 kỳ/ năm thay vì nghỉ hè và nghỉ Tết nguyên đán như hiện nay có hợp lý?

GS Đào Trọng Thi: Tôi cho rằng, trong một năm học của nhà trường và học sinh, việc cho nghỉ quá nhiều đợt sẽ không phù hợp và chưa chắc có lợi cho chất lượng giáo dục.

Bời vì, mỗi một lần học sinh nghỉ học ngắt quãng sẽ kéo theo một số ngày sao nhãng trước và sau kỳ nghỉ. Cụ thể như, để học sinh nghỉ Tết, trước đó các em luôn ở tâm thế chuẩn bị nghỉ sẽ sao nhãng học tập, sau kỳ nghỉ cũng mất vài ngày để có thể quay trở lại thói quen, nề nếp trước đó giáo viên, học sinh đã rèn luyện.

GS VS Đào Trọng Thi cho rằng, đề xuất 4 kỳ nghỉ/ năm là không có lợi cho chất lượng giáo dục.

Ngoài ra, việc cho học sinh nghỉ học phải tính đến điều kiện chung của đất nước. Học sinh được nghỉ trong khi bố mẹ vẫn làm việc bình thường chưa chắc đã phù hợp, thậm chí đối với nhiều gia đình không có ai trông con giúp thì đó lại là cái khó khăn.

Trong điều kiện thời tiết mùa hè nắng nóng khắc nghiệt như ở nước ta hiện nay, chúng ta có kỳ nghỉ hè và 1 đợt nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 1 -2 tuần như vậy cũng khá hợp lý.

Việc cho học sinh nghỉ như thế nào điều quan trọng phải tính toán dựa trên điều kiện thời tiết, sinh hoạt của người dân.

- Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, việc cho học sinh nghỉ nhiều đợt/ năm sẽ đảm bảo kích cầu tiêu dùng và phân luồng, phân bố lại tình hình giao thông, đặc biệt ở các TP lớn như Hà Nội?

 Vấn đề này phải tính toán, nghiên cứu kỹ các điều kiện liên quan như thói quen, phong tục, điều kiện sinh hoạt người dân, thời tiết. Đặc biệt là yếu tố thời tiết của từng quốc gia, chứ không thể nói thiếu cơ sở. 

Ở các nước lâu nay chủ yếu vẫn cho học sinh nghỉ 2 kỳ/năm, trong đó nghỉ đông dài hơn kỳ nghỉ hè. Nguyên nhân là do kỳ nghỉ hè của một số nước dễ chịu còn mùa đông của họ khắc nghiệt hơn.  

Còn các nước có yếu tố thời tiết nắng nóng tương tự Việt Nam thì kỳ nghỉ của học sinh cũng lệch so với các nước phương tây. Họ thường cho học sinh nghỉ học từ tháng 4. Như vậy, các chế độ làm việc nói chung và học tập nói tiêng phải quan tâm tới thời tiết xem có đảm bảo sức khỏe, chất lượng học tập hay không.

Tôi cũng cho rằng, nên đặt mục tiêu, lợi ích học sinh, chất lượng giáo dục lên hàng đầu. Nếu đặt vấn đề khác như kích cầu tiêu dùng hay du lịch…thì đã không có thái độ tôn trọng giáo dục. Ý kiến đó khó có thể được chấp nhận.

- Việc học sinh được nghỉ, đi học của từng địa phương nên để UBND quyết định. Quan điểm của ông thế nào?

Điều này khó có thể xảy ra. Khi thực hiện phải có sự nhất quán trên cả nước. Kể cả trong trường hợp, có những đất nước trải rộng ra trên diện tích lớn, khí hậu khác nhau thì vẫn phải chọn ra một khung chương trình, thời gian chung quy định thời gian học sinh khai giảng, nghỉ hè, nghỉ đông phù hợp với đa số và quyết định 1 phương án để thống nhất trên toàn quốc.

Chiều 14/2, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo công tác phòng chống dịch Covod -19, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị Sở GD&ĐT đề xuất Bộ GD&ĐT về việc xây dựng kế hoạch tổ chức 4 kỳ nghỉ/ năm cho học sinh như nhiều quốc gia khác.

Ông Chung cho rằng, nếu cho học sinh nghỉ 4 kỳ/năm thì tổng thời gian nghỉ hè vẫn là 3 tháng. Trong đó kỳ nghỉ hè nên kéo dài 35 ngày, nghỉ tết khoảng 1 tháng, 2 kỳ nghỉ còn lại mỗi kỳ kéo dài 2 tuần. Theo ông Chung, việc này còn đảm bảo kích cầu tiêu dùng và phân luồng, phân bố lại tình hình giao thông của thành phố tốt hơn.

“Tới đây, chúng ta có thể có ý kiến đề xuất với Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH cũng như Bộ Nội vụ để tính toán lịch. Chúng ta nghiên cứu xem các nước làm thế nào, nếu có hiệu quả, ứng dụng được thì có thể áp dụng ngay từ năm tới”, ông Chung đề xuất.

Nguồn: Tiền Phong

Tin mới