Liên quan đến sự việc hàng trăm tài xế Grab tắt ứng dụng, xuống đường đình công để phản đối mức khấu trừ mỗi chuyến xe vừa tăng từ 20% lên hơn 27,2%, VTC News xin giới thiệu bài viết của luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law firm với góc nhìn pháp lý. Luật sư Trương Anh Tú là người có thời gian theo dõi hoạt động các hãng taxi công nghệ, cố vấn pháp lý cho Hiệp hội taxi truyền thống trong cuộc chiến giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ.
Grabbike hay Grabcar cùng do một công ty sở hữu, bản chất hoạt động là giống nhau, chỉ khác nhau ở phương tiện vận chuyển. Xuất phát từ vụ kiện giữa Vinasun yêu cầu Grab năm 2018, về yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng hơn 41 tỷ, đã nổ ra cuộc tranh cãi về việc định nghĩa Grab là đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, hay đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ. Sau khi vụ án được giải quyết, Chính phủ đã ban hành Nghị định 10/2020/NĐ-CP về quản lý vận tải có hiệu lực từ ngày 01/04/2020, ấn định Grab là đơn vị kinh doanh vận tải hành khách (taxi), có sử dụng công nghệ, nên được ưu đãi thuế nhất định.
Theo luật sư Trương Anh Tú, nghị định 126 buộc các hãng taxi công nghệ về đúng với bản chất hoạt động kinh tế cũng như thông lệ quốc tế.
Nghị định 126/2020/NĐ-CP ra đời để tiếp nối Nghị định 10/2020/NĐ-CP, quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý thuế. Theo đó, đối với việc xử lý thuế trong hoạt động vận tải hành khách, Nghị định 126 buộc các hãng taxi công nghệ về đúng với bản chất hoạt động kinh tế cũng như thông lệ quốc tế, cụ thể là bảo vệ quyền lợi người lao động, đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, nghĩa vụ đóng thuế cho nhà nước.
Trước đây, đặt một chuyến xe công nghệ hết tổng cộng 100.000 đồng. Phía công ty chỉ phải kê khai 10% thuế với chiết khấu 20.000 đồng. Còn tài xế chịu 3% thuế GTGT, cùng 1,5% thuế TNCN đối với phần của mình là 80.000đồng. Theo cách tính mới của Nghị định 126 (điểm c khoản 5 Điều 7), khi thu tổng cộng 100.000 đồng thì Grab phải kê khai, nộp thuế GTGT với mức 10% đối với toàn bộ doanh thu 100.000 đồng, còn tài xế sẽ chỉ bị khấu trừ 1,5% thuế TNCN, mà không phải nộp thêm khoản thuế 3% thuế GTGT đối với phần thu của cá nhân mình nữa.
Doanh nghiệp kinh doanh vận tải công nghệ có trách nhiệm khai thay và nộp thay thuế cho toàn bộ doanh thu của đối tác là tài xế xe công nghệ. Như vậy, theo cách tính mới (bản chất là không mới) thì quyền lợi tài xế công nghệ không bị ảnh hưởng mà còn minh bạch hơn trong việc kê khai, quản lý thuế. Từ đó, tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các hãng taxi công nghệ và các hãng taxi truyền thống.
Đối với việc tăng giá bán dịch vụ của Grab
Mới đây, Grab vừa ra thông báo tăng giá cước, lấy lý do, để đảm bảo mức thu nhập cho tài xế, nền tảng đặt xe này đã phải tăng giá cước cơ bản các dịch vụ. Vấn đề đặt ra là tại sao Grab lại, tăng giá bán dịch vụ. Bởi vì, cho đến thời điểm này, Grab vẫn không thừa nhận mình là đơn vị kinh doanh vận tải, không chịu sự chi phối như các hãng taxi truyền thống về việc đưa ra giá bán, đăng ký giá bán với Sở Công thương. Về việc này, chúng ta cần phải có thái độ nghiêm khắc với Grab, buộc Grab phải đăng ký giá bán dịch vụ như những hãng kinh doanh vận tải khác. Trong trường hợp Grab không chấp hành việc đăng ký giá bán, phải xử lý nghiêm khắc, tránh việc Grab lợi dụng việc chiếm lĩnh thị phần để chi phối giá bán.
Đối với việc tăng tỷ lệ chiết khấu tài xế Grab Car và Grab Bike
Grab không ký hợp đồng lao động với tài xế chỉ ký thoả thuận tỷ lệ phân chia phí dịch vụ thông qua hoạt động cung cấp và quản lý công nghệ. Khi Nghị định 126 có hiệu lực, buộc Grab phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, Grab lại mạnh tay “đá quả bóng” VAT sang các tài xế, áp giá trị VAT lên các tài xế công nghệ. Cụ thể, tỷ lệ chiết khấu tài xế Grab Car 28,375% lên 32,841% (bao gồm phí ứng dụng + phí VAT + thuế thu nhập cá nhân) đối với tài xế chịu phí sử dụng ứng dụng 25%, còn GrabBike tăng từ 20% lên 27,273%.
Về lĩnh vực thuế, Nghị định mới xem xét các tài xế taxi công nghệ như là người lao động của Grab, Grab trên cương vị người sử dụng lao động phải chấp hành các quy định về luật lao động. Việc thu thuế trên tổng giá trị giao dịch không có gì đáng bàn, vì đó là luật đã được áp dụng từ lâu, theo đó “Thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.” Và “Người nộp thuế giá trị gia tăng là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ” Như vậy, luật đã quy định rõ người nộp thuế trong trường hợp này là Grab.
Bản chất Grab là người sử dụng lao động, nên họ phải có trách nhiệm nộp thuế, nếu đẩy thuế sang cho người lao động là bất công. Công ty Luật của chúng tôi cũng tiến hành chi trả thù lao cho Luật sư, còn các sắc thuế thì công ty đương nhiên phải tự chịu, doanh nghiệp nào cũng vậy, không có chuyện người lao động phải “gánh” thuế thay cho công ty.
Grab cho rằng thoả thuận giữa Grab và tài xế không phải hợp đồng lao động, không chịu sự ràng buộc bởi các quy định của pháp luật lao động. Thoả thuận này có thể thay đổi bất cứ lúc nào nếu hai bên tham gia thoả thuận đồng ý. Grab ở vị trí chiếm lĩnh thị trường, tuy nói là thoả thuận giữa các bên, nhưng thực tế đây là yêu sách của Grab, buộc tài xế phải đồng ý, trong trường hợp tài xế không đồng ý thì Grab thẳng tay chấm dứt thoả thuận bất kỳ lúc nào, bởi Grab không chịu sự điều chỉnh của Pháp luật lao động, không có bất kỳ ràng buộc nào về chấm dứt quan hệ với người lao động. Có thể nói, đây là một thiệt thòi vô cùng lớn đối với đại bộ phận người lao động làm việc cho grab hiện nay, mà việc này chúng tôi đã đề phòng và cảnh báo từ nhiều năm trước đây.
Do đó, chúng ta trước tiên là điều chỉnh giá bán theo đúng quy trình ấn định giá bán của dịch vụ kinh doanh vận tải, tiếp theo là trên tinh thần Nghị định 126, cần phải có một quy trình cụ thể ràng buộc giữa Grab và người lao động, có cơ chế bảo vệ người lao động theo pháp luật lao động. Sắp tới đây, Chính phủ cũng sẽ ban hành các văn bản hướng dẫn Bộ luật lao động mới, trong đó cần các quy định điều chỉnh đối với người lao động đặc thù như trường hợp này.