Grab vừa có phản hồi liên quan đến các phản ánh của tài xế khi bị tăng khấu trừ. Cụ thể, Grab dẫn theo nghị định 126/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 5-12, thuế VAT 10% được áp dụng cho toàn bộ doanh thu từ hoạt động kinh doanh vận tải, bao gồm cả phần doanh thu vận tải của đối tác tài xế.
Do đó, Grab đã khấu trừ nghĩa vụ thuế VAT 10% từ cước phí chuyến xe mà người dùng hiện đang chi trả. Còn phí sử dụng ứng dụng (chiết khấu) áp dụng cho đối tác tài xế vẫn được giữ nguyên không thay đổi.
Theo Grab, việc Grab khấu trừ khoản thuế phải nộp, kê khai và nộp hộ cho các đối tác tài xế là tuân thủ quy định của nghị định 126.
Toàn bộ phần thuế thu hộ đều được Grab nộp về Kho bạc Nhà nước và đều được cơ quan thuế xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ thuế.
Theo đó, tỷ lệ khấu trừ tính trên doanh thu cuốc xe bao gồm hoa hồng trả cho hãng, 10% thuế VAT và 1,5% thuế thu nhập cá nhân của tài xế. Mức này tăng từ 20-25% lên 27,273-32,841% (tùy theo hợp đồng hợp tác 2 bên).
Để bù lại lại phần tăng thuế VAT lên 10%, Grab chủ động tăng giá dịch vụ GrabBike thêm 6%. Theo tính toán, thu nhập của tài xế sẽ bị ảnh hưởng nhưng chỉ ở mức 1%/năm.
Theo Grab, trước và ngay sau khi nghị định 126 ban hành, Grab đã tích cực chủ động tham gia góp ý trình bày cụ thể về tác động của nghị định tới cơ quan quản lý thuế, đồng thời nhiều lần gửi văn bản xin hướng dẫn thực hiện nghị định. Tuy nhiên tới nay Grab vẫn chưa nhận được phản hồi chính thức từ các cơ quan này.
Tài xế tắt app, đình công phản đối Grab sáng 7/12.
Tuy nhiên, các tài xế tham gia diễu hành cho rằng mức khấu trừ hiện tại là quá cao. Họ mong muốn mức khấu trừ trở về 20% như trước. Nguyên nhân là các yếu tố đầu vào tăng lên như giá xăng, khấu hao xe, giá dịch vụ bảo dưỡng... sẽ khiến tài xế khó có thu nhập ổn.
Về việc tài xế phản ảnh bị khấu trừ thuế VAT 10% trước ngày 5/12 khiến tổng mức khấu trừ lên gần 30%, trước đó Grab cũng giải thích là do sự cố hiển thị đối với một số tài khoản tài xế Grab Express chứ không phải toàn bộ.
Mức khấu trừ áp dụng từ 5/12 là 27,273%, gồm 20% phí sử dụng ứng dụng và thuế VAT. Đây là sự cố về mặt hiển thị với các cuốc xe trước ngày 5/12 và Grab đang áp dụng, không ảnh hưởng đến thu nhập tài xế.
Khi Grab đến Việt Nam vào năm 2014, thị trường gọi xe tăng trưởng mạnh mẽ 57%/năm, cao nhất Đông Nam Á. Thời điểm này, Grab tích cực xin thí điểm loại hình kinh doanh mới và nhận được chính sách thuế giá trị gia tăng (VAT) đặc biệt. Tháng 2/2017, Tổng cục Thuế ban hành Văn bản số 384 về chính sách thuế đối với hoạt động hợp tác kinh doanh của Công ty Grab Taxi tạo ra một bước ngoặt lớn trên thị trường gọi xe.
Theo đó, mỗi chuyến xe của Grab chỉ chịu tỷ lệ thuế giá trị gia tăng (VAT) là 3%. Con số này thấp hơn 3 lần so với mức mà các hãng taxi truyền thống phải chịu.
Vì vậy, giới taxi liên tục phản đối và cho rằng không công bằng, trong khi Grab và taxi kinh doanh vận tải giống như nhau, chịu mức thuế thì khác nhau. Phải đến cuối năm 2020, Nghị định 126 đã tính toán lại, coi Grab như doanh nghiệp vận tải và áp mức thuế VAT 10%, công bằng như các hãng khác.
Đến lúc này, Grab đã chiếm 75% thị phần tại Việt Nam và đứng ở vị trí thống lĩnh.
Nói về chính sách mới, Grab tin rằng mức cước này "vẫn đủ cạnh tranh" còn tài xế có thể giảm thu nhập khoảng 7% một năm nếu hãng không điều chỉnh tăng cước phí cơ bản. Tuy nhiên, với mức cước phí mới (đã tăng 5-6%), Grab tính toán, tài xế chỉ giảm thu nhập khoảng 1% một năm.