Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Những lần tài xế đình công, phản đối Grab

(VTC News) -

Tăng chiết khấu, thay đổi chính sách là những nguyên nhân chính dẫn đến nhiều cuộc đình công đòi quyền lợi của tài xế Grab.

Sáng 7/12, hàng trăm tài xế GrabBike tập trung "quây" văn phòng của doanh nghiệp này trên phố Duy Tân (Cầu Giấy, Hà Nội), phản đối mức khấu trừ vừa được nâng lên sau khi Grab tăng giá cước với khách hàng và tăng tỷ lệ khấu trừ trên mỗi chuyến xe với tài xế, bắt đầu từ 5/12. Hầu hết tài xế đều tắt ứng dụng, đình công, không nhận khách trong sáng nay.

Càng về trưa lượng tài xế kéo về trụ sở Grab ở phố Duy Tân càng đông, tất cả đều tắt app và mong được làm việc với đại diện công ty. Chưa dừng lại ở đó, dòng người này tiếp tục tổ chức diễu hành quanh hồ Gươm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Nhóm này vừa đi, vừa bấm còi, căng băng rôn với khẩu hiệu "phản đối Grab tăng chiết khấu thuế VAT lên đối tác và tài xế".

Công an phải huy động lực lượng đến hiện trường để đảm bảo an ninh trật tự. Đến khoảng 14h, nhóm này tạm thời giải tán, sau đó chia thành từng tốp nhỏ hướng về quận Cầu Giấy. Tình hình khu vực tạm thời ổn định trở lại.

Các tài xế GrabBike vây kín trước cửa trụ sở Grab ở ngõ 78 phố Duy Tân.

Nguyên nhân khiến tài xế GrabBike biểu tình là do trước ngày 5/12, họ chỉ phải nộp 20% phí sử dụng ứng dụng và nhận về 80% doanh thu mỗi chuyến xe. Còn tài xế có doanh thu cả năm trên 100 triệu đồng phải nộp thêm 1,5% thuế thu nhập cá nhân và 3% thuế VAT.

Nhưng hiện tại, Grab đã nâng tỷ lệ khấu trừ trên mỗi chuyến xe lên 27,272%, bao gồm phí sử dụng ứng dụng 20% (không đổi) và cộng với thuế VAT. Động thái này được Grab đưa ra sau khi Nghị định 126 có hiệu lực - thay đổi cách tính thuế giá trị gia tăng (VAT) với dịch vụ gọi xe công nghệ.

Tất cả đều không đồng tình với chính sách mới của Grab.

Tài xế yêu cầu được gặp lãnh đạo doanh nghiệp.

Đoàn tài xế diễu hành qua Hồ Gươm.

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên tài xế tập trung đình công để phản đối Grab.

Tháng 8/2019, hàng trăm tài xế GrabBike đình công tập thể, tập trung trước cửa văn phòng của Grab tại TP.HCM để phản đối chính sách thu hộ thuế thu nhập cá nhân mà nhóm tài xế cho rằng còn nhiều điểm chưa minh bạch.

Khi đó, đại diện Grab đã phải làm việc với các tài xế, giải đáp thắc mắc của đối tác. Do quá đông tài xế GrabBike tập trung tại một chỗ, có nguy cơ mất an ninh trật tự, công an khu vực đã phải có mặt để đảm bảo, phối hợp với Grab giải quyết vấn đề.

Tháng 1/2018, rất đông đối tác của Grab đã tập trung trước tòa nhà Kim Ánh (Cầu Giấy, Hà Nội), nơi có văn phòng của Grab, để phản đối việc hãng này đơn phương nâng mức chiết khấu.

Cụ thể, khoảng hơn 100 tài xế cả GrabCar và Grabbike đã tập trung phản đối, làm đoạn đường tại ngõ 78 phố Duy Tân, trước cửa tòa nhà Kim Ánh, bị tắc nghẽn. Lực lượng công an phường đã phải tham gia điều tiết giao thông tại đây.

Phía Grab sau đó đã mời một số tài xế đại diện lên văn phòng để trao đổi nhằm "hạ hỏa" đám đông.

Cũng thời điểm này, nhiều tài xế GrabBike tại TP.HCM kéo đến văn phòng của doanh nghiệp này tại quận 10, để phản đối mức chiết khấu mà hãng nâng từ 20% lên 23,6%, áp dụng ngày 1/1/2018. Không đồng ý với yêu cầu của giới tài xế, nhưng Grab sau đó đã âm thầm đưa mức chiết khấu về lại 20%, bắt đầu từ 10h ngày 13/1.

Chưa hết, hồi giữa tháng 8/2017, nhiều tài xế GrabBike tại Hà Nội cũng đồng loạt tắt ứng dụng và kêu gọi đình công phản đối khi mức chiết khấu từ 5% lên 20%. Bất chấp Grab giải thích việc thay đổi để cạnh tranh so với các dịch vụ tương tự, đồng thời thống nhất giữa hai thị trường lớn là TP HCM và Hà Nội, nhiều tài xế vẫn cho rằng mức chiết khấu này quá cao và bất hợp lý.

Bằng Lăng

Tin mới