Goni bắt đầu mạnh lên bất ngờ khi di chuyển qua vùng nước ấm phía tây Thái Bình Dương. Chỉ trong 1 ngày, sức gió tối đa của Goni tăng từ 160 km/h lên 290 km/h.
Khi sức gió tối đa vượt 240 km/h, Goni đủ tiêu chuẩn trở thành siêu bão. Nhưng nó thậm chí còn phát triển dữ dội hơn.
Trung tâm Cảnh báo Bão hỗn hợp ở Trân Châu Cảng mô tả Goni là một "cơn bão nhỏ nhưng rất mạnh".
Hình ảnh vệ tinh hiển thị mắt bão của Goni được xác định rõ ràng, đối xứng gần như hoàn hảo. Đây là đặc trưng của những cơn bão có cường độ mạnh nhất.
Ảnh vệ tinh về siêu bão Goni. (Ảnh: WP)
Dự kiến Goni sẽ di chuyển theo hướng Tây và đổ bộ vào trung tâm Luzon, phía đông bắc thủ đô Manila của Philippines vào khoảng 20h tối 1/11. Nó sẽ suy yếu một chút trước khi đổ bộ.
Trung tâm Cảnh báo Bão hỗn hợp dự đoán khi đổ bộ vào Luzon, Goni sẽ duy trì sức gió tối đa 225 km/h.
Trước đó, Cơ quan Khí tượng, Thiên văn và Địa lý Philippines (PAGASA) đã ban hành cảnh báo mưa lớn tới dữ dội từ tối 31/10, có thể gây lũ lụt và lở đất. PAGASA cũng dự đoán ảnh hưởng của bão sẽ gây gió mạnh và triều cường cao 2-2,5 m.
Theo Inquirer, hàng chục nghìn người dự kiến sẽ phải sơ tán tới các trung tâm tạm trú.
Trong bối cảnh Philippines vẫn đang phải gồng mình đối phó với COVID-19, Ricardo Jalad, Giám đốc điều hành Cơ quan kiểm soát thảm họa quốc gia Philippines kêu gọi người dân đeo khẩu trang và tuân thủ giãn cách xã hội ở các điểm sơ tán.
Dự kiến Goni sẽ suy yếu khi đi qua Luzon trước khi tiến vào Biển Đông. Nó sẽ suy yếu thêm khi di chuyển hướng về Việt Nam do ảnh hưởng của gió tầng cao và không khí khô. Goni nhiều khả năng đổ bộ vào Việt Nam ngày 4/11.
Goni là cơn bão thứ 18 đổ bộ vào Philippines trong năm nay, đồng thời là bão nhiệt đới thứ 5 vào nước này chỉ riêng trong tháng 10.
Trước đó, bão Molave tấn công Philippines hôm 26/10, khiến 9 người thiệt mạng, ảnh hưởng đến hơn 900.000 người, gây ngập lụt nhiều ngôi làng và vùng đất trũng, cắt đứt nhiều đường dây điện và phá hủy hàng trăm ngôi nhà.