India Today hôm 23/9 đưa tin, Ấn Độ đang có kế hoạch mua 30 máy bay không người lái MQ-9A Reaper từ Mỹ, trị giá khoảng 3 tỷ USD. New Delhi dự định sử dụng những máy bay này ở khu vực biên giới với Trung Quốc cũng như các tuyến đường thủy chiến lược.
Thỏa thuận này dự kiến sẽ nhận được sự chấp nhận tại cuộc họp sắp tới của Hội đồng mua sắm quốc phòng (DAC), do Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh đứng đầu. Theo India Today, thỏa thuận mua máy bay không người lái của Ấn Độ đã được lên kế hoạch trong 3 năm qua.
Máy bay không người lái MQ-9A Reaper. (Ảnh: Globaldefensecorp)
Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng với Bắc Kinh như hiện nay, 6 máy bay không người lái MQ-9A Reaper dự kiến sẽ được mua ngay lập tức và chuyển giao trong vài tháng, trong khi 24 chiếc còn lại sẽ được mua trong vòng 3 năm tới.
"MQ-9A Reaper được điều khiển bằng vệ tinh, có thể bay lơ lửng ở độ cao 13,7 km và làm nhiệm vụ trong 35 giờ. Máy bay này sử dụng các biện pháp hỗ trợ điện tử và radar để xác định vị trí của đối thủ. MQ-9A Reaper có thể ở bất cứ đâu, vịnh Aden, eo biển Malacca hoặc ở Đông Ladakh", India Today dẫn lời quan chức quốc phòng cấp Ấn Độ cho hay.
Mỹ hiện là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai của Ấn Độ, sau Nga.
Ấn Độ tăng cường đầu tư cho quân đội trong thời gian gần đây. Hôm 21/9, Ấn Độ đã tiến hành thử nghiệm chiến đấu cơ Rafale gần biên giới Trung Quốc. Theo đó, các máy bay chiến đấu mới Rafale của Ấn Độ do Pháp sản xuất đã thực hiện những chuyến bay "làm quen" ở vùng trời phía trên khu vực biên giới tranh chấp.
Từ ngày 10/9, 5 máy bay đầu tiên trong hợp đồng mua 36 chiếc máy bay Rafale trị giá tổng cộng 9,4 tỷ USD đã chính thức đi vào hoạt động. Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh gọi đây là một "thông điệp mạnh mẽ" dành cho các đối thủ của New Delhi.
Căng thẳng Ấn Độ - Trung Quốc leo thang thời gian qua. Hồi tháng 6, sau nhiều tuần căng thẳng, một cuộc đụng độ đẫm máu giữa binh sĩ hai nước xảy ra khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Phía Trung Quốc không công bố con số thương vong. Mới đây, binh sĩ hai nước lại đụng độ tại biên giới vào hôm 30/8.
Trung Quốc và Ấn Độ hôm 22/9 đồng ý ngừng gửi thêm binh sĩ tới điểm nóng trên dãy Himalaya dọc theo biên giới đang tranh chấp giữa hai nước. Hai bên cũng đồng ý tổ chức Hội nghị cấp Tư lệnh Quân sự lần thứ 7 trong thời gian sớm nhất có thể.