Trong tuần 9-13/3, chỉ số VN-Index rơi mạnh từ 891,44 điểm xuống 761,78 điểm, tương ứng mức giảm 14,55%. Thống kê cho thấy đây là tuần giảm mạnh nhất của VN-Index kể từ tháng 3/2008 tới nay (12 năm).
Tính từ năm 2002, mức giảm của VN-Index trong tuần 9-13/3/2020 được ghi nhận lớn thứ 4, chỉ xếp sau tuần 17-21/3/2008 (giảm 15,24%), tuần 18-22/2/2008 (giảm 15,8%) và tuần 6-10/10/2008 (giảm 16,16%).
Với mức giảm sâu trong tuần qua, vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam (bao gồm 3 sàn HoSE, HNX, UPCom) đã bị "thổi bay" hơn 590.000 tỷ đồng, tương ứng 25,5 tỷ USD. Con số này tương đương vốn hóa VinGroup (VIC) và Vietcombank (VCB) cộng lại.
Sau phiên lao dốc buổi sáng, chỉ số VN-Index hồi phục đáng kể ở phiên chiều.
Trong năm 2001, VN-Index cũng ghi nhận một số tuần giao dịch với mức giảm trên 15%. Tuy vậy đây là giai đoạn sơ khai của chứng khoán Việt Nam nên số liệu không có nhiều ý nghĩa.
Trong phiên giao dịch cuối tuần ngày hôm qua (13/3), thị trường chứng khoán cũng trồi sụt liên tục.
Chỉ số lao dốc không phanh trong đầu phiên sáng và có lúc mất hơn 45 điểm, thế nhưng đến phiên chiều liền lập tức đảo chiều hồi phục mạnh.
Kết phiên, chỉ số VN-Index giảm 7,47 điểm (0,97%) xuống 761,78 điểm. HNX-Index giảm 0,53% xuống 101,38 điểm. UPCoM-Index giảm 0,84% xuống 50,49 điểm.
Nhóm ngân hàng dẫn đầu đà hồi phục với nhiều mã đảo chiều tăng giá như STB, TCB, NVB, HDB, MBB, CTG. Nhiều cổ phiếu VN30 nhóm VN30 cũng lấy lại sắc xanh, điển hình là POW tăng 6,1%. Các nhóm cổ phiếu bất động sản, dầu khí, Viettel, chứng khoán nhìn chung đều thu hẹp đà giảm.
Cụ thể, CTG tăng 150 đồng/CP lên 21.950 đồng/CP. HDB tăng 200 đồng/CP lên 23.000 đồng/CP. MBB tăng 150 đồng/CP lên 17.100 đồng/CP. STB tăng 450 đồng/CP lên 10.400 đồng/CP. TCB tăng 300 đồng/CP lên 18.250 đồng/CP.
Tuy nhiên, dòng cổ phiếu ngân hàng cũng phân hóa mạnh. VCB bước hụt, dù có lúc tăng lên 73.000 đồng/CP nhưng kết phiên, VCB lại giảm 700 đồng/CP xuống 71.000 đồng/CP. BID giảm 1.700 đồng/CP xuống 35.000 đồng/CP. EIB giảm 300 đồng/CP xuống 16.400 đồng/CP.
Cổ phiếu "họ FLC" của đại gia Trịnh Văn Quyết tiếp tục là tâm điểm thị trường với ART, AMD, KLF tăng kịch trần, cổ phiếu HAI tăng lên vùng giá 4.000 đồng/cp. Hàng loạt mã penny khác cũng tăng kịch trần như VCR, KDM, QCG, TSC, ATG.
Cổ phiếu AMD của Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản FLC AMD tiếp tục đà tăng trần lên 4.260 đồng/cổ phiếu. Mã này vừa xác lập một chuỗi tăng 12 phiên liên tục (11 phiên tăng trần) từ mức giá 1.990 đồng, tăng tổng cộng 114%. Đà tăng của AMD dường như vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.