“Út ơi, có sữa rồi nè”, chưa kịp cởi bỏ khẩu trang, áo đi nắng, chị H’Pon Eban (38 tuổi, xã Ea Ktur) dựng vội chiếc xe máy cà tàng, cất giọng gọi cô con gái út 5 tuổi về uống sữa để kịp lên bệnh viện kiểm tra sức khỏe.
Chị H’Pon Eban là một trong những người vợ có chồng bị lôi kéo tham gia khủng bố rạng sáng 11/6/2023. Mỗi khi nhắc đến vụ việc, chị lại đỏ hoe đôi mắt. Chồng chị bị kết án 3 năm 6 tháng tù về tội Khủng bố. Đó cũng là chuỗi ngày chị phải gồng gánh gia đình, để chồng yên tâm cải tạo.
Gánh nặng kinh tế khiến đôi vai gầy của người phụ nữ ngoài 30 rũ xuống, ánh mắt không giấu được sự mệt mỏi. Chị Eban cho biết, nếu không có sự động viên từ các cấp chính quyền, sự sẻ chia, không kỳ thị của hàng xóm xung quanh, có lẽ chị phải bỏ xứ mà đi. Chị mong buôn làng luôn yên bình, mọi người chăm chỉ làm ăn, yêu thương nhau.
Chị Eban và Y Tri Arul (32 tuổi) kết hôn hơn 10 năm, được cha mẹ cho mấy sào rẫy cà phê. Hai vợ chồng chăm chỉ làm lụng nuôi 3 người con ăn học, đứa con út 5 tuổi mắc bệnh hiểm nghèo.
Từ khi chồng bị kết án, chị phải mạnh mẽ làm chỗ dựa cho các con. Những lần được vào thăm chồng, chị luôn động viên anh cải tạo tốt, sớm trở về gia đình, cùng nhau nuôi con cái ăn học.
Theo lời kể của chị Eban, anh Y Tri Arul bị kẻ xấu bắt đi khi đang ngủ ở lán trại trông nương rẫy. Mỗi lần gọi điện cho gia đình, trong trạng thái hoảng sợ anh cho biết, khi bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia nhóm tấn công, anh nhận thấy việc làm sai trái nhưng nhóm đối tượng đe dọa sẽ giết cả gia đình nếu bỏ về.
Nhận thức hạn chế, bị kẻ xấu dụ dỗ, kích động hay bất cứ một lý do nào đi nữa, cũng không thể ngụy biện cho hành vi của những kẻ tham gia gây án. Không những phải chịu sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật, các đối tượng còn tự tay xé toang hạnh phúc gia đình, để lại nỗi đau cho người thân, buôn làng.
Ngày 16/1/2024, Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với 100 bị cáo. Dư luận nhân dân đồng tình với mức án HĐXX tuyên phạt đối với từng bị cáo theo đúng quy định pháp luật. Mọi tội ác, không phân biệt nam nữ, tuổi tác, thành phần, dân tộc, tôn giáo… đều phải bị trừng trị, xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, pháp luật cũng thể hiện tính nhân văn, sẵn sàng tạo điều kiện, khoan hồng cho những người biết nhận ra lỗi lầm, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, hợp tác với cơ quan chức năng.
Sau hơn một năm chấp hành án tù, nhiều phạm nhân trong các cuộc nói chuyện điện thoại hay gặp gỡ người thân đến thăm tại trại giam vẫn bật khóc, bày tỏ sự ăn năn hối hận và hứa sẽ cải tạo tốt để được xét ân xá, sớm trở về với gia đình. Mọi sai lầm đều phải trả giá. Sự nhẹ dạ cả tin đến mù quáng khiến họ trả giá bằng những năm tháng lao tù, để vợ con nheo nhóc, cha mẹ phiền lo, hổ thẹn với buôn làng.
Là một người từng bị nhóm khủng bố dụ dỗ lôi kéo nhưng sau đó không tố giác, anh Y Lên Ê ban (Buôn Jung A, xã Ea Ktur) cho biết, sau sự việc, anh đã nhận ra cái sai của mình, vì thiếu hiểu biết mà im lặng trước tội ác của một nhóm người xấu. Nếu khi đó, anh dũng cảm khai báo, tố giác hành động của nhóm khủng bố thì biết đâu, sự việc sẽ không nghiêm trọng như những gì đã xảy ra.
Đến nay, trở về cuộc sống với gia đình, anh Ê Ban làm nghề thợ sắt tại nhà. Cuộc sống của gia đình anh đã cải thiện, con cái được đến trường, học hành đến nơi đến chốn, nhưng trong anh vẫn canh cánh nỗi mặc cảm tội lỗi.
"Đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại", đó là chính sách xuyên suốt thể hiện sự khoan hồng của Đảng và Nhà nước, truyền thống nhân đạo của dân tộc ta. Song song với hoạt động truy quét tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự, cơ quan chức năng cũng kêu gọi những kẻ lầm đường lạc lối ra tự thú để được hưởng khoan hồng; luôn quan tâm, động viên gia đình có con em lầm đường lạc lối giữ vững niềm tin vào Đảng, Nhà nước, động viên người thân cải tạo tốt để sớm được trở về với gia đình.
Giữa trưa một ngày cuối tháng 8, trong căn nhà ở buôn Kram (xã Ea Tiêu), bà H Blăk Nie (62 tuổi) đang chuẩn bị thức ăn để đem vào vườn làm rẫy. Thấy khách ghé chơi, bà nhanh nhẹn mời vào nhà.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn truyền thống của người Ê Đê, giọng nói trầm ấm, bà chia sẻ những câu chuyện về sự đoàn kết của người dân buôn làng, câu chuyện về tuổi thơ cơ cực để vươn lên thành một người uy tín của làng.
Mẹ bà mất lúc 3 tuổi, theo phong tục người Ê Đê, khi mẹ mất, con cái không được sống với bố mà phải đi ở nhờ nhà người khác. Lên 8 tuổi, bố bà cũng rời xa cõi đời. Dù không có tiền đi học nhưng bà cố gắng trong cuộc sống, nuôi nấng ước mơ được đi học.
Khi lập gia đình, ước mơ đi học ngày càng mãnh liệt nên bà đăng kí học ngành sư phạm. Ra trường năm 1990, bà công tác ở Hội Phụ nữ của xã. “Người dân ở buôn làng này ai cũng biết hoàn cảnh của tôi nên họ rất thương và đồng cảm. Nhưng để nói được người dân nghe thì bản thân cán bộ mình phải làm được, sống chuẩn mực và là tấm gương để người dân nhìn vào” - bà H Blăk Nie nói.
Từ đó đến khi nghỉ hưu, bà kinh qua nhiều chức vụ trong chính quyền, HĐND từ xã đến huyện Cư Kuin, trải qua nhiều chặng đường phát triển của Tây Nguyên, kể cả những thời điểm khó khăn do các thế lực thù địch chống phá.
Trong ký ức của người từng là thành viên của HĐND xã Ea Tiêu rồi huyện Cư Kuin, bà H Blăk Nie chưa thể quên những việc đau thương đã xảy ra trên mảnh đất mình yêu như máu thịt.
Những đêm trăng sáng, bên hiên nhà, nhìn cháu con nô đùa yên bình, bà đau xót vì chính những người gây ra tội ác vào cái đêm định mệnh cách đây hơn 1 năm hầu hết lại là người đồng bào dân tộc của mình, vì nghe theo kẻ xấu mà hành động mất nhân tính.
Bà tâm sự, cách đây hơn 20 năm (năm 2004), tại Đắk Lắk cũng từng xảy vụ việc một bộ phận người đồng bào dân tộc thiểu số bị bọn phản động FULRO lưu vong và các thế lực thù địch xúi giục, lôi kéo tham gia gây rối, biểu tình, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự. Khi đó, chính bà với tư cách là thành viên HĐND đứng ra vận động những người dân tham gia gây rối dừng hành động sai trái.
Trải qua gian khó, bà được suy tôn là người có uy tín trong làng, nhiều lần đi vận động buôn làng phải tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, của chính quyền. “Khi đến một buôn làng nào đó, mình nói mà bà con im lặng nghe thì đó là thành công” - bà H Blăk Nie kể.
Theo bà, hiện nay, đồng bào đã nhìn nhận, có ý thức cảnh giác cao trong việc bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ bình yên của buôn làng. Đặc biệt, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, số hộ nghèo trong đồng bào dân tộc ngày càng giảm, số hộ giàu tăng lên.
Để tiếp tục củng cố vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc, bà Blăk Nie cho rằng, các lực lượng chức năng cần gần dân, sát dân, nắm tình hình chắc từng vùng, từng địa bàn, từng khu; luôn lắng nghe ý kiến dân, hiểu dân, nắm bắt tâm tư, tình cảm của dân để đưa ra các chương trình, chính sách hợp lòng dân. Khi đó, chắc chắn khối đại đoàn kết toàn dân sẽ luôn vững mạnh.
Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của Người có uy tín trong buôn làng, bởi họ hiểu biết pháp luật, nắm vững tâm lý của đồng bào, rất năng động, luôn đi đầu các phong trào yêu nước.
Cùng chung quan điểm, già làng người Ê đê Y Dhăm Bdap (buôn Kpung, xã Hòa Hiệp, Cư Kuin) chia sẻ, mấy chục năm trước, bà con địa phương còn nghèo khó lắm. Có gia đình làm tới 2 - 3 ha rẫy mà quanh năm vẫn đói ăn. Nay, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đồng bào được hỗ trợ vay vốn làm ăn, được hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi nên các hộ trong buôn khá lên nhanh chóng. Bà con thi đua làm giàu, nhiều gia đình xây được biệt thự khang trang, cuộc sống dư dả.
“Tôi từng đạp xe hơn 50 km đi họp rồi về buôn phổ biến những chính sách mới của Nhà nước cho người dân, vận động người dân sống theo Hiến pháp và pháp luật. Tôi nói người dân buôn làng mình phải tin vào Đảng, Nhà nước; nêu cao tinh thần cảnh giác, không tin, không nghe lời dụ dỗ của kẻ xấu” - Già làng Y Dhăm Bdap nói.
Theo lãnh đạo HĐND huyện Cư Kuin, địa phương có 8 xã, trong đó 6 xã nằm trong vùng I vùng dân tộc thiểu số, 4 buôn đặc biệt khó khăn. Toàn huyện hiện có 34 Người có uy tín. Những năm qua, Người có uy tín đã thể hiện vai trò, trách nhiệm với cộng đồng, tích cực phối hợp với các cán bộ, tổ chức chính trị, xã hội ở địa bàn tuyên truyền, vận động bà con chấp hành chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, tổ chức, hướng dẫn đồng bào thực hiện tốt các nhiệm vụ, phong trào hoạt động phát động ở địa phương.
Để động viên, khuyến khích Người có uy tín phát huy vai trò trong cộng đồng, địa phương luôn chú trọng thực hiện thăm hỏi, tặng quà dịp Tết, tổ chức cho Người có uy tín đi tham quan, học tập kinh nghiệm… Mới đây, huyện tổ chức các lớp tập huấn cho Người có uy tín.
Trong vụ việc gây mất an ninh trật tự tháng 6/2023, Người có uy tín cũng tích cực phối hợp cùng lực lượng chức năng tuyên truyền, vận động các đối tượng trong các thôn, buôn ra đầu thú; Tuyên truyền vận động người thân, bà con không tin, không nghe theo lời dụ dỗ, luận điệu của các thế lực thù địch.