Thời gian gần đây, chuyện những giỏ lan tiền tỷ đang gây nóng dư luận, người cho rằng đây chỉ là chiêu trò thổi giá của giới bán lan, người thì cho rằng đây là giá trị không thể đo đếm được bằng tiền nên dù giá có cao cỡ nào cũng là hợp lý.
Đáng nói là không chỉ gây tranh cãi trong dư luận mà ngay trong chính cộng đồng người chơi lan cũng nổ ra những cuộc tranh luận về vấn đề này. Đa số những người chơi lan đều cho rằng vài tỷ đồng cho một cây lan hoặc một kie lan đột biến là mức giá không thực tế.
Anh Nguyễn Trọng Lân, một người chơi lan lâu năm tại Yên Bái cho biết: "Hiện giờ trong giới chơi lan, mọi người cũng bàn tán nhiều về chuyện lan tiền tỷ. Dưới góc nhìn của tôi thì việc những cây lan đột biến có giá cao như vậy là điều chưa từng có, những giỏ lan có giá từ vài chục đến vài trăm triệu tôi đều đã từng sở hữu qua nhưng đến vài chục tỷ thì quả thực hơi quá".
Những cây lan được bán với giá vài chục tỷ đồng đang gây náo loạn thị trường cây cảnh.
Anh Lân tiết lộ thêm, cộng đồng những người chơi lan, chăm sóc lan cũng đang được chia làm hai phe. Phe những người coi lan như thú vui, tức là chơi chỉ để thỏa đam mê và một bên là những người coi lan như công cụ kiếm tiền, thậm chí có những người không hiểu biết nhiều về lan nhưng vẫn đầu tư cả đống tiền để mua kie hoặc cây lan sau đó đợi giá lên bán lại kiếm lời.
"Mỗi khi có bài viết được các thành viên chia sẻ nói về lan đột biến bị thổi giá thì lập tức hai phe nhóm này lao vào tranh luận, chì chiết nhau, thậm chí nhiều người còn dùng những từ ngữ thô tục, nặng lời để bảo vệ quan điểm nhưng thực chất đó là bảo vệ thị trường của mình", anh Lân chia sẻ.
Thông tin tới VTC News, anh Lương, một chuyên gia cây cảnh lâu năm tại Phú Thọ cho biết, đa phần những người đầu tư vào lan để kiếm lời là những người thiếu hiểu biết về thị trường hoa lan, cây cảnh. "Tôi được biết rất nhiều nông dân tham gia việc mua bán lan gần đây, họ không biết gì về cây và chỉ thấy những hào nhoáng bên ngoài về việc trồng lan dễ kiếm tiền tỷ nên lao đầu vào. Cuối cùng ôm cả đống nợ vì găm phải những gốc cây vô giá trị. Thậm chí có những hội nhóm chuyên thổi giá lan để dụ dỗ những người không am hiểu mua kie lan với giá đắt gấp nhiều lần giá trị thực của cây", anh Lương nói.
Những cuộc ngã giá cây trị giá hàng tỷ đồng.
Cũng theo anh Lương hiện nay việc nhân giống cây đột biến Việt Nam cũng có thể làm được, nguồn giống từ nước ngoài nhập về cũng rất nhiều trong khi giới chơi lan không phải quá đông đảo. Chính vì thế với nguồn cung lớn, thị trường lại nhỏ hẹp nên việc lan đột biến tăng giá một cách "điên cuồng" như vậy là điều không bình thường.
Anh An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) kể: "Anh trai tôi bỏ ra hơn 4 tỷ đồng để mua 2 kie cây lan đột biến. Anh tôi đã cắm cả sổ đỏ, nhà, xe và vay mượn bạn bè để mua mấy kie lan đột biến với giá cao khi thấy thị trường hoa lan đang sốt nóng. Sau khi mua xong hàng thì những người bán cũng lặn mất tiêu, mang cây về chưa được một tháng cây lăn ra chết khiến ông anh tôi tay trắng, giờ đang đi trốn nợ biệt tăm".
Anh Khánh thông tin thêm, anh đã chứng kiến trường hợp người mua lan bán đi bán lại theo vòng để đẩy giá lên cao. Mỗi người nâng giá một chút, chỉ sau một thời gian ngắn giá của cành lan đã tăng 5-7 lần.
Trong khi đó, cũng có trường hợp một nhóm người giăng bẫy khách hàng, mới đầu bán cây với giá thấp cho người mua, sau vài ngày ngỏ ý mua lại với giá cao hơn giá cũ khoảng 100 - 200 triệu đồng khiến người mua có nghĩ rằng bán nhanh cũng lãi được vài trăm triệu. Sau vài lần mua đi bán lại để kích thích "con mồi", họ lại tiếp tục bán cho người mua đầu tiên. Lúc này giá của cây đã bị đẩy lên rất cao. Sau khi giao dịch xong, nhóm người này lặn mất tăm khiến người mua ôm một đống nợ lớn.
Thông tin trên báo chí cho thấy, mới đây, công an huyện Quỳnh Lưu - Nghệ An bắt giam 11 đối tượng đến từ Hòa Bình có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc bán lan phi điệp đột biến.
Nạn nhân là nhiều người đến từ khắp các tỉnh thành trên cả nước. Theo đó, một số nạn nhân đã cung cấp cho công an huyện Quỳnh Lưu bằng chứng các cuộc giao dịch mua bán lan với nhóm đối tượng lừa đảo, số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng/cuộc giao dịch.
Theo kết quả điều tra ban đầu, từ Hoà Bình nhóm đối tượng nói trên di chuyển đến thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Sau đó thuê lại một ngôi nhà 2 tầng để làm nhà vườn nuôi trồng và buôn bán cây hoa phong lan. Mặt hàng mà nhóm này hướng tới là các chậu lan phi điệp đột biến bởi đây là cây đang gây sốt trên thị trường với nhiều cuộc giao dịch bị thổi lên kịch bản có giá trị tiền tỷ.
Để tạo được sự tin tưởng cho các nạn nhân, nhóm đối tượng lừa đảo này đã lên mạng xã hội rao bán lan phi điệp đột biến kèm theo giấy bảo hành, cam kết cây bán ra chuẩn cây và đúng mặt hoa. Nhiều người tin tưởng đã chuyển hàng trăm triệu đồng để giao dịch. Tuy nhiên, khi nhận cây về chăm sóc, một thời gian sau phát hiện ra mình bị lừa nên đã làm đơn tố cáo gửi cơ quan công an.