Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Giáo viên gọi điện thoại giảng bài cho học sinh miền núi

(VTC News) -

Ngoài các tiết học trực tuyến, thầy- cô giáo trường Dự bị đại học dân tộc trung ương ngày ngày vẫn gọi điện thoại để giảng bài trực tiếp cho học sinh miền núi.

Với đặc thù 100% học sinh là người dân tộc thiểu số ở vùng cao, trường Dự bị đại học dân tộc trung ương có nhiều giải pháp đồng bộ cùng triển khai trong dạy học từ xa mùa dịch COVID-19, giúp học sinh không bị gián đoạn việc học.

Nhiều biện pháp hỗ trợ học sinh

Từ đầu mùa dịch, việc chuyển từ hình thức dạy học trực tiếp sang từ xa khiến nhiều giáo viên, học sinh lúng túng trong công nghệ thông tin và phương pháp tổ chức dạy-học. Sự tương tác trong dạy học từ xa bị hạn chế và phụ thuộc vào các yếu tố khách quan.

Thầy giáo Dương Minh Nhuận, Phụ trách Tổ bộ môn Toán chia sẻ: “Khi nhà trường đề xuất triển khai kế hoạch dạy học từ xa, tôi phản đối và đặt ra các câu hỏi như giáo viên chưa từng dạy học từ xa, điều kiện học tập của học sinh vùng cao còn nhiều khó khăn; máy tính không có, điện thoại cấu hình thấp, mạng internet chập chờn… những vấn đề này sẽ giải quyết ra sao?”.

Khi dạy học trực tiếp, có những phần kiến thức giảng giải mất cả tiết học mà học sinh chưa chắc đã hiểu thì làm thế nào để dạy học từ xa hiệu quả. Gần như bất khả thi với phương pháp học trực tuyến trong mùa dịch.

Giáo viên trường Dự bị đại học dân tộc trung ương tham gia dạy trực tuyến cho học sinh.

Theo TS Nguyễn Tuấn Anh, Phó Hiệu trưởng nhà trường, thực tế nhiều học sinh khi nghỉ Tết không mang tài liệu học tập về nhà, việc tiếp cận tài liệu học ở vùng cao là rất khó khăn, có những em phải đi hàng chục km đường núi mới đến được trung tâm bưu điện xã để photo tài liệu…

Những điều này đặt ra thách thức lớn trong việc biên soạn tài liệu, đặc biệt là các modun kiến thức, phải đảm bảo các tiêu chí, học sinh tự học, tự nghiên cứu theo hướng dẫn, tự kiểm tra kết quả học tập.

“Việc thiết kế tài liệu hướng dẫn học sinh tự học theo các modun để phục vụ dạy học từ xa cần tập trung lựa chọn các phần kiến thức ở mức độ biết, hiểu có độ khó thấp, trung bình và rất ít kiến thức ở mức độ vận dụng.

Trường đặt ra yêu cầu tài liệu phải được thiết kế tốt, học sinh có thể tự vượt qua 60 - 70% kiến thức trong tài liệu, như vậy sẽ giảm tối đa thời gian hỗ trợ trực tuyến trên không gian mạng", TS Tuấn Anh nói và cho biết đó là điểm mấu chốt vô cùng quan trọng đang được trường áp dụng với học sinh vùng cao vì điều kiện kết nối mạng của các em rất khó khăn.

Nhà trường cũng triển khai đa dạng hóa hình thức hỗ trợ học sinh học tập theo 3 hướng tương tác: trực tuyến theo thời khóa biểu; trực tuyến theo điều kiện kết nối mạng internet của học sinh; gọi điện thoại trực tiếp sau khi tài liệu được gửi tới học sinh qua đường bưu điện.

Song song với việc truyền thụ kiến thức, trường sẽ xét công nhận kết quả học tập cho học sinh theo từng modun 2 ngày/lần. Nếu các em không vượt qua được yêu cầu của học phần, các thầy cô sẽ tiếp tục hỗ trợ lại hoặc kết hợp nhiều hình thức hỗ trợ, đảm bảo các em được học tập tốt nhất trong điều kiện không thể đến trường.

 Học sinh vùng cao tham gia các lớp học trực tuyến theo nhiều cách khác nhau.

Đặt mình vào khó khăn của học sinh để dạy học

Cô giáo Phan Thị Tố Trinh, giáo viên dạy môn Vật lý, trường Dự bị đại học dân tộc trung ương cho biết, với cách thức triển khai dạy học từ xa thông qua tài liệu hướng dẫn các em tự học, các giáo viên có thể dạy học ở bất cứ lúc nào các em cần, không kể ngày hay đêm.

“Có những lúc gia đình đang ngồi ăn cơm tối, thấy học trò nhắn tin thắc mắc phần kiến thức chưa hiểu, tôi lậtp tức dừng bữa để hỗ trợ các em. Nếu mạng internet không ổn định, tôi lại gọi điện, hướng dẫn cho các em vì không phải lúc nào học sinh miền núi cũng có đủ sóng điện thoại để học tập, trao đổi với cô-trò”, cô Tố Trinh nói.

Từ thực tế hàng ngày, em Quàng Thị Thu Biên lớp C4K45 trường Dự bị đại học dân tộc trung ương tâm sự, ban đầu em rất lo lắng khi biết trường sẽ dạy trực tuyến trong thời gian tạm nghỉ, nhưng sau khi được các thầy cô dành 1 tuần hỗ trợ cài đặt phần mềm, hướng dẫn các kỹ thuật tương tác, phương pháp học tập, hỗ trợ bất cứ lúc nào nên em đã rất yên tâm.

Trong gần 3 tuần học, có những hôm Thu Biên phải học muộn, em gửi tin nhắn cho cô lúc nửa đêm, thấy cô gọi điện trả lời làm cô học trò này vừa mừng, vừa thấy thương thầy cô.

Cô giáo Phan Thị Tố Trinh dạy học trực tuyến cho học sinh.

Với quyết tâm tạm dừng đến trường, không dừng học tập, TS Nguyễn Tuấn Anh cho biết, tính đến nay nhà trường tổ chức thành công 25 buổi sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học tại các lớp học trên không gian mạng. Tại đây giáo viên sẽ tập trung theo dõi sự khó khăn của học sinh thường gặp phải để tiếp tục điều chỉnh về kiến thức, phần mềm sử dụng và phương pháp tổ chức dạy học từ xa.

“Chúng tôi tổ chức sinh hoạt vào các cung giờ khác nhau trong ngày để thử xem sự kết nối mạng của các em học sinh ra sao, có thầy cô còn phải thử sử dụng cả điện thoại có cấu hình thấp, kết nối sóng 3G, 4G kém, tự đặt mình vào vị trí của người học để còn rút kinh nghiệm. Nếu không đặt mình vào vị trí người học, đặc biệt là học sinh vùng cao thì dạy học từ xa sẽ rất dễ bị thất bại”, vị Hiệu phó cho hay.

Sau gần 3 tuần triển khai dạy học, với các giải pháp được tiến hành đồng bộ, trường Dự bị đại học dân tộc trung ương tổ chức thành công 1157 tiết giảng, 578 video hỗ trợ tự học được ghi lại, 305 modun được xây dựng và 100% học sinh được công nhận kết quả học tập.

Video: Học sinh tham gia học trực tuyến tại nhà mùa dịch COVID-19

Minh Khôi

Tin mới