(VTC News) – Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ và bày tỏ lòng cảm ơn đến các thầy cô giáo cắm bản đã phải hy sinh gia đình, cuộc sống để đem cái chữ đến với học sinh vùng cao.
Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long phát động chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô năm 2015”, hướng về giáo viên vùng cao, đặc biệt những thầy cô đang ngày đêm cắm bản gieo chữ.
Cuộc sống của các giáo viên cắm bản đem con chữ cho học sinh vùng cao còn rất nhiều khó khăn |
Ông Ngũ Duy Anh - Vụ trưởng Công tác học sinh sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết góp phần vào sự thành công của ngành giáo dục có đóng góp không nhỏ của đội ngũ giáo viên đang ngày đêm dạy học tại các điểm trường tại các thôn bản vùng cao.
“Những giáo viên cắm bản đã phải hy sinh gia đình, cuộc sống để đem con chữ đến với những học sinh khó khăn”, ông Ngũ Duy Anh khẳng định.
Vị đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng bày tỏ lòng cảm ơn đến với những đóng góp thầm lặng của các giáo viên cắm bản. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ phối hợp tốt với các đơn vị liên quan để đem những phần quà ý nghĩa đến với những giáo viên ở vùng cao, vùng sâu vùng sa.
Là người từng nhiều lần công tác đến những điểm trường vùng sâu, vùng sa, anh Nguyễn Phi Long, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cho biết đa số giáo viên cắm bản có độ tuổi thanh niên với nhiều mơ ước, nhưng vì học sinh mà tạm gác lại ước muốn của bản thân để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.
“Nếu không có tình yêu thương học sinh, tận tâm với nghề thì những thầy giáo cô giáo, nhất là những người giảng dạy ở các điểm bản khó có thể vượt qua khó khăn trong sự nghiệp trồng người”, anh Nguyễn Phi Long chia sẻ.
Những giáo viên cắm bản đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn như giao thông cách trở, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn để đem con chữ đến với những em nhỏ vùng cao. Trong mỗi lớp học, nhiều giáo viên cắm bản thường phải dạy cho 5 đối tượng học sinh khác nhau từ lớp 1 đến lớp 5.
Đại diện các bên ký kết hợp tác chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” |
Cũng có cùng những chia sẻ này, TS Võ Văn Thành Nghĩa, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Long tâm sự: “ Nếu ở trong trường hợp này, tôi không biết có đủ can đảm hy sinh để làm việc như các thầy cô giáo cắm bản hay không”.
Vì vậy, TS Võ Văn Thành Nghĩa muốn chia sẻ những khó khăn với các thầy cô giáo ở vùng sâu, vùng sa qua những hành động thiết thực nhất.
“Tùy theo yêu cầu phát triển của đất nước, yêu cầu phát triển của sự nghiệp giáo dục mỗi năm, chúng tôi sẽ cân nhắc, tính toán làm sao cho liệu cơm gắp mắm, nhưng đảm bảo phải no”, ông Thành Nghĩa nói.
Trong năm đầu tiên, chương trình hướng về đội ngũ
giáo viên cắm bản
tại các điểm trường thuộc 62 huyện nghèo trong cả nước.Để đảm bảo tính công bằng, khách quan, chương trình sẽ được tuyên truyền sâu rộng đến các Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam các cấp để giới thiệu, gửi hồ sơ tấm gương tiêu biểu về cho Ban tổ chức.
Mỗi huyện sẽ chọn một thầy giáo hoặc cô giáo tiêu biểu là gương sáng về đạo đức, lối sống; có thành tích trong việc thu hút học sinh con em dân tộc tới trường; có nhiều sáng kiến trong công tác giảng dạy, chăm lo cho học sinh được đoàn thể, chính quyền, ngành Giáo dục và nhân dân địa phương ghi nhận; có ít nhất 3 năm giảng dạy tại các điểm trường.
Phạm Thịnh