Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Giáo viên bị phát hiện dạy thêm, hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nghiêm cấm giáo viên cấp tiểu học tổ chức dạy thêm, học thêm, nếu để xảy ra vi phạm hiệu trưởng trường đó phải chịu trách nhiệm.

Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa ban hành văn bản gửi trưởng phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố về việc nghiêm cấm dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học.

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, năm học 2023 - 2024, Sở đã nhận được phản ánh của cha mẹ học sinh về việc dạy thêm, học thêm không đúng quy định đối với học sinh tiểu học. Sở yêu cầu trưởng phòng GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo, quán triệt việc chấm dứt tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo viên tiểu học.

Nghiêm cấm giáo viên tổ chức dạy thêm, học thêm. Giáo viên phải có bản cam kết với lãnh đạo nhà trường về việc tuân thủ nghiêm túc không tổ chức dạy thêm. Sở cũng yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm quy định dạy thêm, học thêm một cách kịp thời.

Đồng thời, chỉ đạo hiệu trưởng các cơ sở giáo dục tiểu học phối hợp địa phương kiểm tra, giám sát việc dạy thêm, học thêm. Đáng chú ý, nếu giáo viên của cơ sở giáo dục vi phạm, hiệu trưởng trường đó phải chịu trách nhiệm.

Bà Rịa - Vũng Tàu nghiêm cấm giáo viên cấp tiểu học tổ chức dạy thêm, học thêm. (Trong ảnh: buổi khai giảng năm học mới tại Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân, TP Vũng Tàu. Ảnh: Quang Hưng)

Mới đây, tại phiên thảo luận của Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Văn Huy (tỉnh Thái Bình) đã nêu tình trạng dạy thêm trái quy định có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc cho nhân dân, tạo áp lực lớn cho học sinh, nhất là học sinh tiểu học.

Ông Huy cho rằng, có những lớp học thêm bên ngoài do giáo viên lách luật, mở lớp, gợi ý địa chỉ cho phụ huynh, rộng cửa đón học sinh chính khóa, bài học trên lớp lửng lơ nửa chừng sẽ được tiếp nối ở lớp học thêm. Bài kiểm tra đúng dạng, đúng đề chỉ được hé lộ ở lớp học thêm. Điểm số chênh lệch giữa học thêm và không học thêm khiến cho phụ huynh rất bức xúc.

Theo chia sẻ của ông Huy, qua tiếp xúc cử tri phản ánh chi phí cho con học thêm là khoản chi tiêu lớn nhất của gia đình, nhất là khi có con học tiểu học và trung học cơ sở.

Tuy nhiên, đại biểu này cũng nhìn nhận thực tế đời sống của đại bộ phận giáo viên hiện nay, dạy thêm là giải pháp để cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống. Ông cho rằng điều đó là chính đáng, bởi nếu bác sĩ có thể mở phòng khám tư sau giờ hành chính và nhiều người ở các ngành nghề khác có thể bôn ba ngoài giờ làm việc để tăng thu nhập, nhà giáo dạy thêm là quyền lợi chính đáng.

Để trả lại sự trong sạch cho môi trường dạy thêm, học thêm, ông Huy kiến nghị Bộ GD&ĐT nhanh chóng, khẩn trương sửa đổi các quy định liên quan để quản lý hiệu quả, sâu sát, thiết thực và hài hòa lợi ích của học sinh, phụ huynh, giáo viên. Đồng thời kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ KH&ĐT sớm tham mưu để cơ quan có thẩm quyền quyết định đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên ý kiến này cũng gây nhiều luồng tranh cãi trái chiều trong dư luận. 

Theo Công văn số 754/UBND ngày 30/1/2015 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giáo viên vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm phải chịu các hình thức xử lý kỷ luật sau:

Lần thứ nhất: Bị kiểm điểm, khiển trách trong tập thể sư phạm nhà trường, không xem xét các danh hiệu thi đua trong năm đó. Lần thứ 2: Bị xử lý kỷ luật trong toàn ngành giáo dục, không được công nhận bất kỳ danh hiệu thi đua nào và không được xét thi đua trong 3 năm tiếp theo (kể từ năm vi phạm). Lần thứ 3: Bị điều chuyển công tác hoặc xem xét cho thôi việc. 

Ngoài việc xử lý vi phạm của giáo viên, các cơ quan có thẩm quyền xem xét kiểm điểm trách nhiệm liên đới đối với hiệu trưởng.

Nguồn: Vietnamnet

Tin mới