Giáo sư Phan Ngọc bút danh Nhữ Thành, sinh ngày 10/10/1925 tại xã Nhân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An trong một gia đình khoa bảng danh tiếng. Sau một thời gian ốm nặng, ông đã từ trần lúc 20h ngày 26/8/2020 (tức ngày 08/7 năm Canh Tý) tại Hà Nội, hưởng thọ 96 tuổi.
Ông nguyên là cán bộ giảng dạy khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, chuyên gia hàng đầu về văn hóa và ngôn ngữ của Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện hàn lâm KHXHVN; Giáo sư thỉnh giảng của các trường đại học, viện nghiên cứu ở Pháp, New Zealand, Hong Kong, Singapore...
Nhà ngôn ngữ học Phan Ngọc.
Ông là dịch giả vô đối của nhiều tác phẩm nổi tiếng: Chiến tranh và Hòa bình (từ tiếng Nga, cùng GS Cao Xuân Hạo, quê Diễn Châu), Sử ký Tư Mã Thiên, Hàn Phi Tử, thơ Đỗ Phủ (từ tiếng Hán), Triết học Hegel (từ tiếng Đức, khó có người thứ hai dịch xuất sắc như ông), Thần thoại Hy Lạp (từ tiếng Hy Lạp), Spartacus (từ tiếng Ý), Shakespeare (từ tiếng Anh)...;Các cuốn sách Văn hóa Việt Nam, Từ điển truyện Kiều (của Đào Duy Anh, Phan Ngọc hiệu đính, bổ sung), Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều, Sửa đổi chính tả cho học sinh, Đại từ điển Anh-Việt và nhiều công trình có giá trị...
Chương trình Người đương thời, VTV3 cũng làm chuyên đề về ông - người thông thạo nhiều ngoại ngữ nhất Việt Nam.
Một câu chuyện khác, khi Trung Quốc tiếp tay cho Khơ Me "đỏ" xâm lược Việt Nam và tàn sát dã man hàng triệu người Campuchia, Việt Nam buộc phải cầm súng bảo vệ nhân dân mình, giữ vững biên cương Tổ quốc. Theo đề nghị tha thiết của Mặt trận cứu nước Campuchia vì họa diệt chủng đang hủy diệt đất nước này, Việt Nam đưa quân tình nguyện sang Campuchia.
Trung Quốc, Mỹ và nhiều nước phương Tây, cả phương Đông, bao vây cấm vận Việt Nam nhiều năm. Một lần được đi nước ngoài trong bối cảnh ấy, có một số học giả và nhà báo nói với ông rằng Việt Nam xâm lược Campuchia, ông bình tĩnh đáp lại: "Tôi hỏi quý vị, khi nhà hàng xóm kề bên bị cháy, cháy sang cả nhà quý vị, thì quý vị khoanh tay đứng nhìn hay phải chữa cháy nhà mình và giúp cả nhà hàng xóm".