Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Dẹp buôn bán vỉa hè cho người đi bộ: Phải hài hoà với lợi ích người dân

(VTC News) -

Nếu người đi bộ không đi thì vỉa hè để phí, trong khi hoạt động kinh tế đang bị o ép.

Về nguyên tắc, kinh tế vỉa hè là khái niệm sử dụng không chính thức trong những văn bản nhà nước, trong ngôn ngữ báo chí và quản lý thực tế. Khái niệm này chủ yếu được hiểu ngầm là chính.

Kinh tế vỉa hè thể hiện những hoạt động diễn ra trên vỉa hè liên quan đến kinh doanh, thương mại. Ví dụ như buôn bán, trông xe hay những hoạt động dịch vụ khác… tạo ra nguồn thu cho người cung cấp dịch vụ.

Khách du lịch quốc tế thưởng thức ẩm thực vỉa hè ở phố Tạ Hiện, Hà Nội. (Ảnh: Kinh tế đô thị).

Nền kinh tế vỉa hè là một trong những đặc thù, đặc sắc, đặc sản của Thủ đô Hà Nội, cũng như một số thành phố lớn như TP.HCM, hay những thành phố Trung ương. Kinh tế vỉa hè không chỉ tạo thêm công ăn việc làm, thu nhập cho người dân mà còn là mạng lưới tiêu thụ, phân phối sản phẩm, hàng hóa ra thị trường.

Đối với những người sản xuất, kinh doanh không có điều kiện hình thành được hệ thống phân phối cho riêng mình thì kinh tế vỉa hè là kênh phân phối hữu hiệu, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi hệ thống bán lẻ của Việt Nam hoàn toàn lép vế trước doanh nghiệp ngoại. Người không có điều kiện mở doanh nghiệp kinh doanh, thuê mặt bằng bán hàng thì buộc phải bám lấy vỉa hè mưu sinh. Cho nên, trong quá trình lập lại trật tự vỉa hè phải quan tâm đến họ sao cho hài hòa lợi ích các bên.

Kinh tế vỉa hè cũng phù hợp với thói quen tiêu dùng của người Việt Nam. Là quốc gia có nhiều xe máy, người dân có thể dừng, đỗ để mua đồ ăn nhanh chóng ngay trên đường đi làm về, bởi mạng lưới phân phối vỉa hè len vào từng ngõ ngách đô thị.

Và phải nói rằng kinh tế vỉa hè là một bộ phận của nền kinh tế - xã hội ở nước ta. Hơn nữa, đây còn là một nguồn lực dự trữ phát triển kinh tế vĩ mô cũng như vi mô và cũng là cơ hội để cải thiện thu nhập dân sinh, đồng thời cũng góp phần thực hiện cảnh quan đô thị của Việt Nam.

Thời gian trước, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho phép thí điểm kinh tế vỉa hè là phù hợp với thực tế. Nó cũng phù hợp với truyền thống các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước từ xưa đến nay. Thí điểm kinh tế vỉa hè cũng phù hợp với quy định của pháp luật, theo hướng tạo mọi điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, cải thiện sinh kế, cũng như an sinh xã hội.

Chưa có con số thống kê chính thức về đóng góp của kinh tế vỉa hè với nền kinh tế. Hiện chỉ có một vài nghiên cứu nhỏ lẻ ở một số đơn vị như TP.HCM nhưng cũng không đầy đủ. Vì mỗi một địa phương, mỗi một khu phố, địa điểm cụ thể có những đặc điểm khác nhau.

Muốn có con số chính xác thì phải điều tra, thống kê ở tất cả những con phố. Các nghiên cứu chỉ tính áng chừng, thống kê khái quát thì không đúng.

Đối với một số đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM với các tuyến phố lớn thì có thể nói kinh tế vỉa hè rất quan trọng, phục vụ đắc lực cho hoạt động kinh tế. Chúng ta cần phải biết rằng, diện tích bán hàng trong nhà của các mặt phố rất ít, chủ yếu mang ra ngoài hè bán.

Có người nói rằng kinh tế vỉa hè sẽ "ngược chiều" với đô thị văn minh. Nhưng đô thị văn minh không phải chỉ là có cảnh đẹp, nhà đẹp, nó còn có sinh hoạt của con người. Mà sinh hoạt của con người thì biến đổi theo nhu cầu của con người hiện đại.

Câu nói "kinh tế vỉa hè sẽ ngược chiều với đô thị văn minh" là hoàn toàn không có cơ sở. Còn dùng từ "mỹ quan vỉa hè đô thị" thì không hoàn toàn rõ hết ý nghĩa về khía cạnh giá trị của kinh tế vỉa hè. Vì nếu được tổ chức tốt, những hoạt động này còn góp phần trang điểm cho đường phố thêm đẹp. Singapore là một ví dụ, các hàng quán trên các tuyến phố được trang trí đẹp rực rỡ như ngày hội, thu hút rất nhiều du khách đến tham quan.

Với mục đích gìn giữ ẩm thực đường phố, thu hút khách du lịch, đồng thời đảm bảo trật tự giao thông, Singapore đã là thành lập các trung tâm ăn uống tách biệt khỏi những con đường có nhiều phương tiện giao thông. (Ảnh: Huffington Post)

Việc này (dẹp buôn bán vỉa hè dành đường cho người đi bộ) đã có từ khi ông Nguyễn Thế Thảo giữ cương vị Chủ tịch UBND TP Hà Nội (tháng 9/2007 - tháng 12/2015). Thời điểm đó, khi đang công tác tại Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, tôi đã phản biện. Chúng ta phải ứng xử với vỉa hè theo cả góc độ hài hòa lợi ích và các khía cạnh của đời sống người dân.

Trên thực tế, vỉa hè dành cho người đi bộ không nhiều lắm bởi người ta có đi bộ mấy đâu. Vỉa hè phù hợp, thuận lợi nhất hiện nay phải giải quyết được hai mục tiêu: thứ nhất là cảnh quan, văn minh đô thị, người đi bộ; thứ hai là hỗ trợ hoạt động kinh tế của người dân trong bối cảnh thất nghiệp đang rất nhiều, các hoạt động kinh tế đang khó khăn… không có vỉa hè thì kinh tế thương mại kém hiệu quả.

gianh-lai-via-he-cho-nguoi-di-bo-nhung-co-may-ai-di-bo-dau-1.jpg

Chính quyền yếu kém, buông lỏng trong quản lý, một số nơi bảo kê, "làm luật" cũng là một nguyên nhân dẫn đến "loạn" vỉa hè.

TS Nguyễn Minh Phong

Vỉa hè lộn xộn như ngày hôm nay không chỉ do lỗi của người dân mà chính quyền cũng có trách nhiệm không nhỏ. Nói đúng hơn, chính quyền yếu kém, buông lỏng trong quản lý, một số nơi bảo kê, "làm luật" cũng là một nguyên nhân dẫn đến "loạn" vỉa hè.

Đã dẹp vỉa hè thì phải công bằng, những cơ quan nhà nước lấn chiếm vỉa hè, kinh doanh chỗ đậu xe trái phép cũng phải xử lý chứ không chỉ xử lý người dân.

TS Nguyễn Minh Phong - nguyên trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội)

Anh Văn (ghi)

Tin mới