Đại dịch COVID-19 “quét” qua toàn thế giới trong suốt gần 5 tháng qua khiến doanh nghiệp lao đao. Chính phủ các nước nhanh chóng vào cuộc đưa ra nhiều biện pháp giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch COVID-19. Trong đó, nổi bật nhất là chính cách giảm lãi suất, giãn nợ và giãn thuế.
Là một trong những quốc gia được đánh giá rất cao nhờ chống COVID-19 thành công, Việt Nam cũng rất rốt ráo đưa các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp vào cuộc sống. Dù vậy, bên cạnh nhiều thành công ban đầu, một số biện pháp mà các cơ quan chức năng đưa ra vẫn được đánh giá là cần sửa đổi.
Phóng viên Báo điện tử VTC News trò chuyện với TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng về hiệu quả của các biện pháp cứu doanh nghiệp sau những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, trong đó nổi bật nhất là đề xuất tăng thời gian giãn thuế, thay vì 5 tháng lên tối thiểu hết quý I năm 2021.
Cần bảo lãnh tín dụng
- Để giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch COVID-19, hàng loạt biện pháp như giảm lãi suất, giãn nợ, giãn thuế được đưa ra, ông có đánh giá như thế nào về tác dụng của những biện pháp này?
Thật sự những gói hỗ trợ như thế đã phát huy nhiều mặt tích cực nhưng chưa đạt được kỳ vọng. Các gói hoãn nợ, không chuyển nhóm nợ giá trị lớn 300.000 tỷ đồng, rồi đăng ký lên 600.000 tỷ đồng, thậm chí 700.000 tỷ đồng. Đây là những con số rất lớn.
Các gói đó có thể hỗ trợ bằng cách giảm lãi suất, không chuyển nhóm nợ, cơ cấu lại nợ. Dĩ nhiên chúng có những động thái tích cực nhưng không phải là gói để hỗ trợ doanh nghiệp trở nên yếu kém do chịu tác động của đại dịch COVID-19. Bởi vì, chính Ngân hàng Nhà nước đưa ra chủ trương không hạ chuẩn tín dụng được.
Không hạ chuẩn tín dụng nghĩa là các ngân hàng phải cho vay hết sức cẩn thận. Những doanh nghiệp trở nên yếu kém do chịu tác động của đại dịch COVID-19 trở nên “vô phương”, không có cách nào tiếp cận được vốn vay từ ngân hàng.
Xét ở góc độ kinh doanh, đây là điều hợp lý vì ngân hàng cũng là doanh nghiệp, hoạt động theo nguyên tắc bảo toàn vốn và sinh lợi nhuận. Ngân hàng không thể sẵn sàng cho doanh nghiệp vay vốn vì có thể gánh nợ xấu, mất vốn.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã gửi đề xuất kéo dài thời gian giãn thuế
- Vậy các doanh nghiệp gặp khó khăn vì đại dịch COVID-19 sẽ phải xoay xở thế nào thưa ông?
Tôi đã nhiều lần đề nghị phải cải tổ, phải có công cụ, cơ chế bảo lãnh tín dụng. Trên thực tế, công cụ bảo lãnh tín dụng đã có rồi nhưng không hiệu quả.
Cụ thể, các địa phương đã có quỹ bảo lãnh tín dụng. Khi một doanh nghiệp hoặc cá nhân tại địa phương gặp khó khăn, yếu kém, không có tài sản đảm bảo, không thể tiếp cận được vốn ngân hàng, các quỹ sẽ bảo lãnh trước ngân hàng. Nếu khách không trả nợ được, quỹ sẽ trả nợ thay.
Hiện tại, nhiều địa phương có quỹ này hoạt động dựa trên Nghị định số 34 năm 2018 của Chính phủ. Đây là Nghị định về thành lập tổ chức và hoạt động của quỹ tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mỗi địa phương thành lập quỹ.
Quỹ được bổ sung bởi ngân sách địa phương chứ không phải ngân sách Trung ương. Thế nên vốn điều lệ èo uột và các quỹ vẫn phải hoạt động dưới nguyên tắc bảo toàn vốn. Vì thế, quỹ rất lo sợ và hoạt động chặt chẽ như một ngân hàng.
Các doanh nghiệp đang trong trạng thái yếu ớt đến ngân hàng nhưng “cửa đóng”, khi đến quỹ tín dụng, cửa cũng đóng luôn. Doanh nghiệp sẽ bơ vơ, chơi vơi. Tôi đề nghị quỹ bảo lãnh tín dụng phải thành lập từ Trung ương, có ngân sách quốc gia bỏ tiền vào. Các quỹ này không trông chờ các UBNĐ địa phương. Các địa phương còn khổ sở lo vấn đề kinh tế địa phương, họ làm gì có nhiều tiền.
Doanh nghiệp càng lớn tổn thương càng nhiều
- Hậu đại dịch COVID-19, doanh nghiệp nhỏ và vừa đối mặt với việc khó tiếp cận vốn ngân hàng dù nhiều gói hỗ trợ được tung ra. Vậy các doanh nghiệp lớn, trụ cột của nền kinh tế, có gặp khó khăn gì với các gói cứu trợ không thưa ông? Giãn thuế có phải là một trong những vấn đề đó không?
Với doanh nghiệp thua lỗ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, giãn nợ, hạ lãi suất cho vay là biện pháp hỗ trợ hiệu quả. Còn với doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vẫn có nguồn thu và lợi nhuận, giãn thuế là biện pháp tích cực nhất.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy chúng ta đã nói về giãn thuế nhưng lại không có quy định cụ thể nào, ai được giãn, giãn với những tiêu chí nào, tất cả chỉ dựa vào quyết định của cơ quan thuế.
Các doanh nghiệp càng lớn thì qua đợt dịch COVID-19 tổn thương sẽ càng nhiều, cần có các chính sách hỗ trợ
- Theo quy định, doanh nghiệp có 5 tháng giãn thuế. Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp lo ngại rằng như vậy quá ngắn. Doanh nghiệp càng lớn thì càng cần thời gian giãn thuế dài vì đơn vị lớn có độ trì cao hơn, cần nhiều thời gian để phục. Mong muốn có họ có chính đáng không thưa ông?
Mong muốn kéo dài thời gian giãn thuế của doanh nghiệp lớn là rất chính đáng vì "thuyền to sóng to", càng lớn thì tổn thương càng nhiều. Doanh nghiệp lớn có nghĩa chi phí lớn. Họ muốn giãn thuế để dùng số tiền hoạt động và phát triển. Đặc biệt các công ty có vai trò quan trọng phát triển kinh tế càng nên được giãn thuế nhiều.
Không chỉ các đơn vị lớn, các đơn vị nhỏ cũng cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ. Càng nhỏ thì nguy cơ "chết" cao. Chỉ cần 1,2 tháng không có thu nhập là họ sẽ phải đóng cửa, phá sản. Vì vậy, Chính phủ cần có sự hỗ trợ hài hòa cho cả doanh nghiệp lớn và nhỏ. Theo tôi, việc hỗ trợ đó nên phụ thuộc vào tỷ lệ đóng góp. Ví dụ doanh nghiệp nhỏ đóng góp 40% thuế, doanh nghiệp lớn đóng góp 60% thuế cho Ngân sách Nhà nước thì tỷ lệ hỗ trợ cũng sẽ là 40%/60%.
- Thời gian giãn thuế đang là 5 tháng. Theo ông, khoảng thời gian này đã đủ chưa?
Tôi cho rằng chắc chắn biện pháp giãn thuế phải thực hiện ít nhất đến quý 1/2021 (nghĩa là tối thiểu 12 tháng). Vì biện pháp giãn thuế nếu được thực hiện dĩ nhiên giúp ích rất nhiều cho doanh nghiệp. Khoản tiền khá lớn thay vì phải nộp cho ngân sách, doanh nghiệp có thể sử dụng chúng để đầu tư, nhằm mang lại lợi nhuận tốt hơn.
Giãn thuế là cách trì hoãn việc trả, không phải tha nợ, miễn thuế. Nó mang tính giai đoạn. Đúng ra chúng ta có thể giảm thuế.
- Xin cảm ơn ông!
Gần 50 quốc gia đã thực hiện giãn thuế cứu doanh nghiệp
Cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19 không chỉ mang cướp đi hàng trăm ngàn sinh mạng mà còn gây nên những thiệt hại khổng lồ cho nền kinh tế toàn cầu, nguy cơ suy thoái sâu sắc nhất trong 9 thập kỷ.
Trong nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân khỏi tác động nặng nề từ dịch bệnh, hàng loạt biện pháp tiền tệ và tài khóa được đưa ra. Trong đó, giãn thuế được cho là biện pháp hiệu quả hơn cả bởi thời hạn giãn thuế có khả năng điều chỉnh linh hoạt.
Theo thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Thế giới OECD, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát đến nay, đã có ít nhất 100 quốc gia ban hành các biện pháp hỗ trợ thuế, trong đó ít nhất 44 quốc gia thực hiện gia hạn nghĩa vụ thuế như vậy. Con số này đang tiếp tục tăng lên do đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, gieo rắc triển vọng ảm đạm cho nền kinh tế toàn cầu.