Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Giảm 200 trường tiểu học trong năm 2023-2024, nguyên nhân do đâu?

(VTC News) -

Số trường tiểu học trên cả nước giảm từ 12.366 xuống còn 12.166 trong năm 2023-2024, đây là tín hiệu tích cực trong đổi mới giáo dục.

Nội dung trên được Bộ GD&ĐT nhấn mạnh tại hội nghị tổng kết năm học diễn ra sáng nay (19/8). Theo đó, năm học 2023-2024 cấp tiểu học có số trường giảm từ 12.366 xuống 12.166 (giảm 200 trường). Ở cấp THCS, số trường giảm từ 10.761 xuống 10.753 (giảm 8 trường).

Riêng cấp THPT, năm học 2022-2023, cả nước có 2.949 trường học cấp THPT. Sang năm học 2023-2024, con số này tăng lên 2.981 trường. Đây cũng là cấp học duy nhất tăng số trường học trong năm học vừa qua.

Theo Bộ GD&ĐT, việc số trường Tiểu học và THCS giảm có nguyên nhân chủ yếu là một số địa phương sáp nhập địa giới hành chính dẫn đến việc sáp nhập các trường học trên địa bàn. Trong khi đó, số lượng trường THPT tăng do việc tăng dân số ở các thành phố lớn nên địa phương đã xây dựng, thành lập các trường mới.

Cũng theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, cả nước có gần 18,5 triệu học sinh, giảm hơn 300.000 so với năm học trước, mức giảm chủ yếu ở cấp tiểu học.

Cấp THCS có hơn 6,5 triệu học sinh, tăng gần 500.000. Cấp THPT xấp xỉ 3 triệu học sinh, tăng hơn 100.000. Trong đó, 5 địa phương có số lượng học sinh cấp THPT ở mức rất cao: Hà Nội (293.825 học sinh), TPHCM (251.930 học sinh), Thanh Hóa (103.636 học sinh), Nghệ An (109.764 học sinh) và Đồng Nai (88.899 học sinh).

Việc tăng 32 trường chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, khi số trường cần có tương ứng cho số học sinh này vào khoảng gần 50 trường.

Về mặt hạn chế, Bộ GD&ĐT thẳng thắn nhìn nhận, khi sắp xếp, sáp nhập, quy hoạch lại các trường, điểm trường, tại một số địa bàn dân cư phân tán, giao thông bị chia cắt, ảnh hưởng đến việc đi học của học sinh.

Việc rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông còn bất cập; còn tình trạng thiếu trường, lớp ở một số địa phương, đặc biệt là tại các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Một số địa phương thực hiện dồn ghép các cơ sở giáo dục một cách cơ học; việc quy hoạch, dành quỹ đất, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học chưa phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn trường học. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cấp mầm non, phổ thông còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị sáng nay.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, năm học mới ngành sẽ tiếp tục quán triệt phương châm chỉ đạo của Thủ tướng “lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, làm chủ thể, thầy cô giáo làm động lực; nhà trường làm bệ đỡ, gia đình làm điểm tựa, xã hội làm nền tảng”.

Với tinh thần đề cao kỷ cương, trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng, toàn ngành Giáo dục sẽ phấn đấu để hoàn thành tốt hơn và tốt nhất mục tiêu đề ra. Trong đó triển khai ngay nội dung Kết luận 91 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29 của Trung ương; hoàn thành tổ chức triển khai hiệu quả chương trình phổ thông mới và tổ chức đánh giá toàn bộ quá trình thực hiện trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch khắc phục các vấn đề còn tồn tại, hạn chế, cố gắng vượt qua các thách thức, hướng tới một năm học với kết quả tốt hơn nữa.

Kim Nhung

Tin mới