Hội đồng Giải thưởng VinFuture đã hoàn tất thẩm định và thống nhất tôn vinh 4 công trình khoa học kiệt xuất, mang lại tác động tích cực đến cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới. Chủ nhân các giải thưởng sẽ được công bố tại lễ trao giải ngày 20/12 tại Hà Nội.
Đặc biệt, sự hiện diện của những bộ óc kiệt xuất trong giới khoa học công nghệ trên toàn cầu tại lễ trao giải và tuần lễ VinFuture góp phần định vị Việt Nam là điểm đến mới tiềm năng của khoa học công nghệ thế giới. Đây cũng là cơ hội kết nối đa chiều giữa những nhà khoa học và giới doanh nhân, thúc đẩy quá trình thương mại hóa, đưa các ý tưởng nghiên cứu ứng dụng nhanh chóng vào cuộc sống.
Thủ tướng Phạm Minh Chính (thứ 3 từ trái qua phải) trao giải thưởng chính VinFuture mùa đầu tiên cho ba nhà khoa học Katalin Kariko, Drew Weissman (Mỹ) và Pieter Cullis (Canada), chủ nhân của công trình "Vaccine mRNA: Công nghệ đột phá để cứu sống con người".
Năm thứ 2 liên tiếp đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội đồng giải thưởng VinFuture, GS Sir Richard Henry Friend cho biết, mùa giải VinFuture đầu tiên tạo được tiếng vang trong cộng đồng khoa học toàn cầu nên không có gì ngạc nhiên khi năm nay hội đồng giải thưởng "vất vả" hơn rất nhiều trong quá trình xét duyệt.
"Số lượng đề cử ban tổ chức nhận được năm nay cao hơn hẳn năm ngoái, với 970 công trình thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau (năm 2021 gần 600 đề cử). Đây là con số ấn tượng, cho thấy sự quan tâm từ khắp thế giới với giải thưởng khoa học công nghệ toàn cầu từ Việt Nam. Chất lượng các đề cử mùa giải này cũng tốt hơn. Điều tuyệt vời là có nhiều phát minh mới mẻ ngay cả với chúng tôi", GS Sir Richard Henry Friend nói.
Chủ tịch Hội đồng giải thưởng VinFuture bật mí công trình được tôn vinh năm nay là bước tiến lớn. Giống như phát minh về vaccine mRNA của năm ngoái, đó sẽ là nghiên cứu đột phá, tầm ảnh hưởng sâu rộng với những câu chuyện truyền cảm hứng ở phía sau. "Tôi tin chắc mọi người sẽ ủng hộ và được thuyết phục bởi chiến thắng này", ông nói.
Về quá trình xét duyệt gần 1.000 đề cử từ khắp thế giới gửi về ban tổ chức, GS Sir Richard Henry Friend cho biết, việc “so bó đũa, chọn cột cờ” chưa bao giờ là dễ dàng. Mùa giải năm nay có chủ đề rất ý nghĩa - “Hồi sinh và Tái thiết”. Đó giống như kim chỉ nam để tìm kiếm những đổi mới và sáng tạo mà nhân loại đang thực sự cần để giải quyết những vấn đề cấp bách toàn cầu.
Các thành viên hội đồng giải làm việc cẩn trọng để chọn ra những nghiên cứu đột phá thực sự. "Từ các nguyên tắc và những tiêu chí cụ thể, chúng tôi đánh giá toàn diện tác động của những đột phá này. Một thách thức nữa là việc đo lường phải được điều chỉnh để phù hợp với đặc thù của mỗi lĩnh vực khác nhau. May mắn là chúng tôi có hội đồng với các nhà khoa học hàng đầu, kinh nghiệm dày dặn và làm việc rất hiệu quả nhằm tìm ra những lựa chọn xứng đáng nhất để trao giải", ông nhấn mạnh.
VinFuture được sáng lập bởi ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Tập đoàn Vingroup và phu nhân – bà Phạm Thu Hương, ra mắt ngày 20/12/2020. Đây là quỹ hoạt động độc lập, phi lợi nhuận tại Việt Nam. Quỹ được thành lập với tầm nhìn tạo ra sự thay đổi có ý nghĩa trong cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người bằng việc tôn vinh những đổi mới công nghệ có tầm vóc toàn cầu.
Hoạt động cốt lõi của quỹ là trao Giải thưởng VinFuture hàng năm cho các phát minh khoa học công nghệ đột phá, đã, đang hoặc có tiềm năng tạo ra thay đổi ý nghĩa trong cuộc sống của con người. Ngoài ra, quỹ còn thực hiện nhiều hoạt động để hiện thực hóa sứ mệnh của mình, như tài trợ nghiên cứu, hợp tác phát triển học thuật, thúc đẩy giáo dục STEMM.
Lịch trình sự kiện Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2022:
Ngày 17/12:
- Giao lưu cùng Hội đồng Giải thưởng và Hội đồng Sơ khảo VinFuture- Diễn thuyết truyền cảm hứng “Đổi mới hiện tại, kiến tạo tương lai"
Ngày 19/12: Tọa đàm “Khoa học vì Cuộc sống”
Ngày 20/12: Lễ trao giải VinFuture 2022
Ngày 21/12: Chào tương lai: Giao lưu cùng Chủ nhân Giải thưởng VinFuture 2022
Cơ cấu giải thưởng VinFuture gồm: 1 giải thưởng chính (VinFuture Grand Prize) trị giá 3 USD (khoảng 70 tỷ đồng) và 3 giải đặc biệt mỗi giải trị giá 500.000 (gần 4 tỷ đồng) dành cho các nhà khoa học nữ, các nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển và các nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới.