Liên bộ Công Thương - Tài chính quyết định điều chỉnh giá xăng dầu trong nước theo hướng giảm giá các loại xăng và tăng mạnh giá các loại dầu.
Cụ thể, giá xăng RON95 giảm 439 đồng/lít, giá bán không cao hơn 24.230 đồng/lít; giá xăng E5 RON92 giảm 366 đồng/lít, không cao hơn 23.359 đồng/lít.
Trong khi đó, giá dầu diesel tăng 1.430 đồng/lít, lên mức 25.188 đồng/lít. Đáng chú ý, giá dầu diesel đã tăng vượt giá xăng, điều chưa từng có trên thị trường xăng dầu Việt Nam trước đó.
Giá dầu hỏa tăng 1.389 đồng/lít, lên mức 25.445 đồng/lít, nếu không thực hiện chi Quỹ BOG 100 đồng/lít thì giá bán sẽ là 25.545 đồng/lít, tăng 1.489 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành.
Giá dầu mazut ngược chiều giảm 471 đồng/kg so với hiện hành, xuống mức 16.077 đồng/kg
Giá xăng giảm trong khi dầu diesel tăng mạnh. (Ảnh minh họa: Thu Nga)
Ở kỳ điều hành này, cơ quan điều hành trích lập quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5 RON92 ở mức 451 đồng/lít (như kỳ trước), xăng RON95 ở mức 493 đồng/lít (như kỳ trước), dầu diesel ở mức 0 đồng/lít (kỳ trước là 250 đồng/lít), dầu hỏa ở mức 0 đồng/lít (kỳ trước là 400 đồng/lít) và dầu mazut ở mức 641 đồng/kg (như kỳ trước).
Đồng thời chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với dầu diesel ở mức 300 đồng/lít; dầu hỏa ở mức 100 đồng/lít.
Trước đó, tại kỳ điều chỉnh ngày 22/8, Liên bộ Công Thương - Tài chính giữ nguyên giá xăng và tăng giá các loại dầu. Theo đó, xăng E5 RON92 giữ nguyên mức 23.725 đồng/lít, xăng RON95 cũng đi ngang so với kỳ điều hành trước, ở mức giá 24.669 đồng/lít.
Ngược lại, giá dầu diesel tăng 850 đồng/lít, giá bán ra 23.759 đồng/lít; giá dầu hỏa là 24.056 đồng/lít, tăng 736 đồng/lít.
Không để thiếu xăng dầu
Theo báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), kế hoạch sản xuất xăng dầu của hai nhà máy lọc dầu trong nước là Nghi Sơn và Bình Sơn trong quý III là 3,9 triệu m3 (chiếm 72% tổng nhu cầu) và quý IV là 4,4 triệu m3 (chiếm 80% tổng nhu cầu).
Lượng sản xuất theo kế hoạch đề ra để cân đối cung cầu từ đầu 2022 và đã được phân giao thực hiện cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước để bảo đảm nguồn cung cho thị trường.
Hiện hai nhà máy đều đang vận hành ở công suất tối đa, riêng Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn dự kiến vận hành ở mức công suất 105% trong 4 tháng cuối năm để cung ứng xăng dầu cho thị trường.
Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước, đáp ứng nhu cầu của thị trường để phục hồi kinh tế sau dịch bệnh COVID-19 theo chủ trương của Thủ tướng, Bộ Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tiếp tục thực hiện nghiêm kế hoạch phân giao tổng nguồn và hạn mức nhập khẩu tối thiểu đã được phê duyệt năm 2022.
Tham chiếu khả năng cung cấp xăng dầu cho thị trường của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước, khả năng sản xuất của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Nhà máy lọc dầu Bình Sơn và ý kiến của các bộ, ngành chức năng, hiệp hội ngành hàng liên quan để xây dựng, ban hành quyết định phân bổ hạn mức nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong quý IV/2022 (nếu cần thiết). Việc này để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, bảo đảm an ninh năng lượng, kiên quyết không để xảy ra thiếu hụt nguồn cung trong mọi tình huống.
Đồng thời, phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, khuyến khích các doanh nghiệp duy trì nguồn cung và hạn chế các hành vi đầu cơ găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới sang các nước lân cận.
Trong tháng 8, nhiều cây xăng trên cả nước thông báo hết xăng hoặc bán cầm chừng với lý do thiếu nguồn cung, Bộ Công Thương đã thành lập 3 đoàn kiểm tra tình hình kinh doanh xăng dầu trên phạm vi cả nước. Đoàn sẽ tập trung chỉ đạo việc kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật về kinh doanh xăng dầu của các cơ sở kinh doanh bao gồm cả thương nhân kinh doanh, đại lý, cửa hàng bán lẻ…Những nơi thông báo hết hàng, có dấu hiệu găm hàng, không thực hiện đúng nghĩa vụ và quy định sẽ được kiểm tra và xử lý theo quy định.