Đầu ngày 19/9 (giờ Việt Nam) trên Oilprice, giá dầu thô WTI của Mỹ giao dịch ở mức 85,1 USD/thùng, tăng 0,01%, trong khi dầu thô Brent giao dịch ở mức 91,35 USD/thùng, tăng 0,5%. Dù nhích tăng trong ngày giao dịch cuối tuần do ảnh hưởng từ sự cố tràn dầu tại Iraq, nhưng tính chung cả tuần, giá dầu mất gần 2%. Nếu tính từ đầu quý III đến nay, dầu Brent và WTI giảm khoảng 20%.
Theo các chuyên gia, thị trường dầu suy giảm do dự báo mức tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới gần như bằng 0 trong quý IV do triển vọng nhu cầu ở Trung Quốc yếu hơn.
Dữ liệu cập nhật gần nhất từ Bộ Công Thương (tính đến ngày 14/9) cho thấy, giá xăng A95 tại thị trường Singapore ở mức 103,7 USD/thùng, xăng A92 ở mức 99,6 USD/thùng, dầu diesel ở mức 123,7 USD/thùng.
Hiện giá dầu nhập khẩu cũng đang có xu hướng giảm mạnh. Cụ thể, giá xăng nhập rẻ hơn từ 500 - 700 đồng/lít, giá dầu diesel nhập khẩu rẻ hơn giá bán trong nước khoảng 2.000 đồng/lít.
Giá xăng dầu có thể giảm trong kỳ điều chỉnh ngày 21/9. (Ảnh minh họa: Báo Chính phủ)
Trả lời VTC News, lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối cho rằng giá dầu thế giới giảm, chắc chắn giá trong nước cũng giảm theo. Từ nay đến trước ngày điều hành giá, nếu giá dầu thế giới tiếp tục giảm hoặc được duy trì như hiện tại thì giá xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục đi xuống.
"Trong kỳ điều hành tới, giá xăng có thế giảm khoảng 500 - 700 đồng/lít, dầu diesel giảm mạnh hơn, chừng 1.500 - 2.000 đồng/lít. Tuy nhiên, mức giảm cụ thể còn tùy thuộc vào trích lập - chi sử dụng quỹ Bình ổn giá (BOG)", vị này nói.
Tương tự, đại diện một doanh nghiệp phân phối xăng dầu khu vực phía Nam dự báo giá cơ sở ngày 21/9 giá xăng dầu trong nước sẽ giảm mức tương ứng nếu nhà điều hành không trích lập quỹ BOG.
Tại kỳ điều hành giá liền trước, Liên bộ Công Thương - Tài chính công bố điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước theo hướng giảm hầu hết các mặt hàng. Theo đó, giá xăng RON95 giảm 1.015 đồng/lít, bán ra mức 23.215 đồng/lít, xăng E5 RON92 giảm 1.128 đồng/lít, bán ra là 22.231 đồng/lít.
Tương tự, giá dầu diesel giảm 1.008 đồng/lít, bán ra mức 24.180 đồng/lít. Với mức giảm này, giá dầu diesel vẫn tiếp tục cao hơn giá xăng.
Kỳ điều hành này, Liên Bộ thực hiện trích lập Quỹ bình ổn giá với xăng E5 là 451 đồng/lít; xăng RON95 là 450 đồng/lít, dầu diesel là 90 đồng/lít, dầu hỏa là 200 đồng/lít và dầu mazut là 741 đồng/kg. Đồng thời nhà điều hành dừng chi Quỹ bình ổn giá với các mặt hàng xăng dầu.
Trình Quốc hội giảm thêm thuế xăng dầu ở kỳ họp tới
Tại phiên họp toàn thể diễn ra chiều 18/9 ở Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2022, ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ giao cơ quan này nghiên cứu để trình Quốc hội giảm thêm thuế với xăng dầu tại kỳ họp tới.
Theo ông Chi, chúng ta đã và đang đối mặt rất nhiều khó khăn, trong đó có đứt gãy chuỗi cung ứng, thị trường xuất khẩu, giá nguyên liệu đầu vào vẫn rất cao...
Dưới góc độ của chính sách tài khóa, Bộ Tài chính cho rằng, Quốc hội, Chính phủ đã điều hành rất linh hoạt chính sách tài khóa.
“Chỉ riêng chính sách miễn, giảm, giãn, hoãn thuế năm 2020 đã có tác động rất lớn với quy mô 129.000 tỷ đồng. 8 tháng đầu năm 2022, chúng ta đã giảm, miễn giảm với quy mô lên đến 35.000 tỷ đồng…Riêng đối với các chính sách thuế, phí, mặt hàng chiến lược đối với xăng dầu rất được người dân, doanh nghiệp quan tâm; vừa qua được Quốc hội miễn thuế lên đến 13.000 tỷ đồng và thời hiệu thực hiện đến hết 31/12. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng giảm thuế nhập khẩu xăng dầu từ 20% xuống 10%, đồng thời mở rộng nguồn nhập khẩu để tăng nguồn cung”, ông Chi nhấn mạnh.
Đặc biệt, Thủ tướng, đã chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu các chính sách thuế, gồm: Thuế bảo vệ môi trường, thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt để trình Quốc hội tại kỳ họp tới.
“Chính sách điều hành này sẽ giúp chúng ta có ứng phó với những biến động giá xăng dầu trên thế giới, nhằm hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế với phương án điều hành linh hoạt nhất theo phương thức 'dĩ bất biến, ứng vạn biến'”, ông Chi nói.