Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chuyên gia: Đến lúc bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu, thay bằng dự trữ

(VTC News) -

Nhiều chuyên gia cho rằng, quỹ bình ổn giá xăng dầu chỉ phát huy tác dụng khi giá thế giới biến động ít, đã đến lúc loại bỏ và thay thế bằng dự trữ xăng dầu.

Trả lời VTC News, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú lý giải: “Quỹ bình ổn xăng dầu chỉ có tác dụng khi biên độ biến động giá xăng dầu thế giới thấp, ở phạm vi hẹp. Còn khi giá thế giới tăng giá mạnh, quỹ bình ổn bị âm thì sẽ gây khó khăn cho công tác bình ổn giá. Ngoài ra, quỹ này là trích tiền của dân, vậy mà khi quỹ bình ổn âm, giá xăng dầu thế giới giảm thì người tiêu dùng cứ mỗi lít xăng lại phải gánh thêm vài trăm đồng nữa là hết sức vô lý”.

Do đó, chuyên gia cho rằng quỹ này cần loại bỏ và thay thế bằng công cụ khác hữu dụng hơn, vừa phát huy được tối đa vai trò bình ổn giá xăng dầu vừa ngăn chặn được lạm phát. “Bỏ cái “phao" chưa chuẩn đi để thay bằng cái “phao” khác. Tôi thấy rằng, ở các nước khác người ta xây dựng cái “phao” đó bằng hiện vật, tức là bằng dự trữ xăng dầu và việc này đã phát huy hiệu quả tốt".

Theo chuyên gia, quỹ bình ổn xăng dầu không còn phát huy hiệu quả, cần loại bỏ và thay thế bằng công cụ mới. (Ảnh minh họa: Vietnam+)

Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) phân tích thêm:

Đối với Nhà nước quỹ này là cần thiết. Trong bối cảnh hiện nay, giá xăng dầu do Nhà nước quy định, trong khi giá thế giới diễn biến thất thường thì cần có một lượng tài chính dự trữ để góp phần kiểm soát lạm phát. Khi giá xăng dầu thế giới tăng thì chi quỹ để bình ổn giá, còn khi giá xăng dầu thấp thì thu vào để dự phòng.

Nhưng đối với doanh nghiệp, quỹ này là không cần thiết, gây phiền hà cho hoạt động doanh nghiệp.

Đối với người tiêu dùng, họ được hưởng lợi khi giá xăng dầu tăng, được chi quỹ để giá xăng dầu trong nước không tăng hoặc không tăng mạnh so với thế giới. Nhưng họ lại không được lợi khi giá xăng dầu thế giới giảm, đáng lý ra họ được hưởng giá thấp nhưng lại phải trích quỹ, làm giá trong nước không giảm sâu bằng giá thế giới”.

Theo ông Long, trong trường hợp đủ nguồn xăng dầu dự trữ hoặc giá xăng dầu có thể được thả nổi cho thị trường quyết định và có thể rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu xuống còn 2-3 ngày thì quỹ bình ổn giá xăng dầu không còn cần thiết.

Cần phải dự trữ xăng dầu

Ông Long cũng cho rằng việc dự trữ xăng dầu là tất yếu và cần thiết cho cả Nhà nước cùng doanh nghiệp. “Doanh nghiệp mà không có dự trữ thì sẽ không thể ứng phó với những biến động khôn lường về giá cả trong hoạt động kinh doanh. Trong khi đó, hiện nay nguồn dự trữ xăng dầu quốc gia quá mỏng".

Ông cũng cho biết, ở các nước, nguồn dự trữ xăng dầu của họ ít nhất từ 1-3 tháng, còn ở nước ta dự trữ được 5 - 7 ngày là quá mỏng. Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước, vừa rồi chúng ta đã có chủ trương xây dựng nhà máy lọc dầu và kho dự trữ ở Vũng Tàu, với kinh phí khoảng gần 2 tỷ USD và làm trong vòng 2 năm. Nhưng theo ông Long, cần phải cân nhắc, tính toán xây dựng kho dự trữ ở mức độ nào là hợp lý, tránh lãng phí không cần thiết.

Tương tự, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nêu quan điểm, Nhà nước có thể điều tiết giá xăng dầu thông qua chính sách thuế, phí nhưng về dài hạn thì phải có cơ chế dự trữ quốc gia. Việc can thiệp bằng thuế, phí được áp dụng linh hoạt và có hiệu quả nhất định trong thời gian qua. Tuy nhiên đã đến lúc Việt Nam cần đặt ra vấn đề dự trữ chiến lược, dự trữ quốc gia. Muốn thị trường xăng dầu phát triển bền vững, góp phần ngăn chặn đứt gãy nguồn cung xăng dầu thì không thể không có dự trữ quốc gia.

Ông Ánh cho biết thêm, hiện nay chúng ta gần như không có dự trữ chiến lược về xăng dầu mà chỉ là dự trữ lưu thông để đảm bảo nguồn cung không bị gián đoạn trong vài ngày hoặc vài chục ngày. Nhiệm vụ này do đầu mối cấp 1, tức các nhà nhập khẩu xăng dầu đảm nhiệm. Bên cạnh đó, có một phần dự trữ tại các nhà máy lọc dầu, nhưng cũng chỉ trong thời gian ngắn hạn, chủ yếu liên quan việc kinh doanh.

“Dự trữ quốc gia về xăng dầu là sự thay đổi chiến lược của ngành năng lượng quan trọng, để làm được cần nguồn lực tài chính rất lớn, phải có hệ thống kho lưu trữ, kỹ thuật bảo quản, xây dựng được cơ chế vận hành, quản lý hệ thống và liên quan đến an ninh quốc phòng…Vì thế cần xây dựng một chiến lược bài bản”, TS Vũ Đình Ánh nói.

Chuyên gia Vũ Vinh Phú cho biết, ở một số nước, dự trữ xăng dầu lên tới hàng chục triệu lít xăng dầu. Khi giá xăng dầu thấp, họ mua vào để dự trữ, khi giá cao, họ lấy nguồn dự trữ ra để bình ổn giá. Nguồn dự trữ xăng dầu của họ có thể đáp ứng nhu cầu thị trường từ 3-6 tháng. Trong khi đó nguồn xăng dầu dự trữ ở nước ta hiện chỉ đáp ứng được khoảng 5 ngày là quá thấp.

“Việc xây dựng các kho lưu trữ xăng dầu phải được đầu tư và làm nhanh nhất có thể. Theo tôi, Nhà nước phải bỏ tiền ra xây các kho lưu trữ để có thể phục vụ nhu cầu thị trường trong vòng 3 - 6 tháng. Nguồn dự trữ này sẽ tăng khả năng đối phó với những diễn biến khó lường của giá thế giới”, ông nói.

Bên cạnh đó, ông Phú còn cho rằng, xăng dầu phải được coi là một mặt hàng thiết yếu, do đó cần bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu để góp phần ổn định giá cả. Khi giá xăng dầu bình ổn lâu dài ở ngưỡng 20.000 - 22.000 đồng/lít, các doanh nghiệp có thể trụ vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời đời sống tiêu dùng của dân bớt khó khăn. 

Ngoài ra, theo ông Phú, chu kỳ điều hành giá nên rút xuống từ 10 ngày còn 5 ngày để giảm chi phí cho doanh nghiệp, tránh thua thiệt cho người tiêu dùng. Mặt khác cần thiết kế lại chuỗi cung ứng xăng dầu, giảm bớt trung gian, các chi phí trong cơ cấu giá cơ sở hiện nay đã lạc hậu, không còn phù hợp; sắp xếp lại các đầu mối nhập khẩu, bán buôn xăng dầu, có cơ chế ổn định hợp lý về phân chia lợi nhuận, chiết khấu cho các đơn vị bán buôn bán lẻ. "Làm được những vấn đề trên chắc chắn sẽ từng bước giải được bài toán ổn định giá xăng dầu ở thị trường Việt Nam", ông Phú nhận định.

Công Hiếu

Tin mới