Dữ liệu được Bộ Công Thương công bố cho thấy, đến ngày 7/3, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore là 142,01 USD một thùng với xăng RON92 (loại dùng pha chế xăng E5 RON92) và 145,88 USD với xăng RON95; trong khi giá dầu diesel ở mức 158,44 USD mỗi thùng. Như vậy, tính từ 1/3 đến nay, giá xăng dầu thành phẩm thế giới đã tăng gần 20% mỗi lít, giá xăng dầu trong nước từ đó cũng bị đẩy lên cao.
Chia sẻ với VTC News sáng 9/3, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng trong kỳ điều hành ngày 11/3 khả năng giá bán lẻ xăng dầu trong nước chạm mốc 30.000 đồng một lít đã hiện hữu.
“Xăng dầu trong nước điều chỉnh theo giá thế giới. Do đó với xu hướng giá thế giới tăng cao như hiện nay, giá bán lẻ trong nước có thể vượt 30.000 đồng một lít vào kỳ điều chỉnh tới nếu nhà điều hành không can thiệp bằng các công cụ bình ổn giá, hoặc giảm thuế phí”, ông Long nói.
Giá xăng dầu trong nước khả năng sẽ lên cao theo giá thế giới. (Ảnh: Công Hiếu)
Vẫn theo ông Long, nhằm kéo giá xăng dầu trong nước và hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi, Bộ Tài chính đề xuất mức giảm thuế môi trường xăng dầu ở mức 1.000 đồng với xăng và 500 đồng với dầu.
Tuy nhiên, mức giảm này được cho là quá ít, không có nhiều ý nghĩa. Nhà điều hành nên cân nhắc trình thêm phương án với mức giảm mạnh hơn để hỗ trợ người tiêu dùng, doanh nghiệp vốn đang ngắc ngoải do dịch bệnh kéo dài.
Đồng quan điểm, một lãnh đạo doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại Hà Nội cho biết, với đà tăng nóng của giá xăng dầu thế giới, giá bán lẻ trong nước chắc chắn sẽ được điều chỉnh tăng trong kỳ điều hành ngày 11/3. Nhưng mức tăng bao nhiêu còn phụ thuộc vào việc nhà điều hành sử dụng các công cụ bình ổn, cũng như việc điều chỉnh thuế, phí.
“Xu hướng giá nhiên liệu thế giới còn tiếp tục tăng khi chiến sự Nga - Ukraine vẫn căng thẳng. Do đó, xăng dầu trong nước chịu áp lực tăng giá rất lớn và khả năng kỳ điều hành vào cuối tuần này cũng sẽ tăng đáng kể”, vị này nói.
Cũng liên quan đến đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị phương án giảm thuế 2.000 đồng một lít, sâu hơn so với đề xuất giảm 1.000 đồng mỗi lít xăng (trừ ethanol).
Theo VCCI, đề xuất giảm thuế rất quan trọng và đặc biệt cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhằm kiềm chế đà tăng của giá xăng dầu, nguyên nhiên liệu rất quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần tích cực trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch.
Tại kỳ điều chỉnh ngày 1/3, giá xăng E5 RON92 tăng 545 đồng/lít, xăng RON95 tăng 554 đồng/lít và giá dầu tăng từ 470-530 đồng một lít,kg.
Cụ thể, sau điều chỉnh, giá xăng E5 RON92 lên 26.077 đồng/lít; giá xăng RON95 tối đa 26.834 đồng/lít.
Đây là lần tăng thứ 6 liên tiếp của giá xăng trong nước từ giữa tháng 12/2021 đến nay và lần tăng thứ 5 liên tiếp trong năm 2022.
Tương tự, giá các mặt hàng dầu đều tăng. Dầu hoả tăng 469 đồng/lít, lên mức 19.978 đồng/lít. Dầu diesel tăng 509 đồng/lít, ở mức 21.310 đồng/lít. Dầu mazut tăng 536 đồng, lên 18.468 đồng/kg.