Sáng nay, giá vàng đã thiết lập mức đắt nhất lịch sử khi leo lên ngưỡng 77,4 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, đến phiên buổi chiều giá vàng đã lao dốc liên tục. Kết thúc phiên giao dịch chiều nay, giá vàng miếng được SJC niêm yết ở mức 75,8 - 76,8 triệu đồng/lượng (mua -bán), giảm 600.000 đồng/lượng ở cả hai chiều so với sáng nay.
Tương tự, giá vàng miếng được Tập đoàn Doji niêm yết ở mức 75,7 - 77 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm 400.000 đồng/lượng ở cả hai chiều so với sáng nay.
Giá vàng lao dốc trong phiên giao dịch buổi chiều theo các chuyên gia là do sau khi leo lên đỉnh 77,4 triệu đồng/lượng vào phiên buổi sáng, nhiều nhà đầu tư đã nhanh chân chốt lời, khiến lực bán lớn hơn lực mua, làm giá vàng giảm.
Giá vàng giảm mạnh chiều 22/12. (Ảnh: Minh Đức).
Nhận định về giá vàng, TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho rằng, giá vàng cao tột đỉnh, nguyên nhân là do tình hình kinh tế thế giới biến động khó lường. Tuy nhiên, giá vàng rất thất thường, lên cao đấy nhưng cũng có thể rớt ngay. Vì vậy, việc mua vàng ở đỉnh cao là tuyệt đối không nên, vì điều này không phản ánh đúng giá trị thật, hơn nữa giá vàng trong nước cũng đang chênh lệch rất nhiều so với giá thế giới.
Còn PGS.TS Đinh Trọng Thịnh tư vấn: “Người mua vàng nên cảnh giác, việc vàng đảo chiều là hoàn toàn có thể xảy ra. Vì thế, không nên đổ xô mua vàng tại thời điểm giá vàng biến động thất thường và giá quá cao”.
Trong khi đó, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định, thị trường vàng luôn luôn bất ổn. Giá vàng tăng như thế không có nghĩa là sẽ tăng đều từ nay đến cuối năm.
“Điều quan trọng là không bao giờ được phép vay tiền của người khác để mua vàng để dành. Nếu giá vàng giảm trái với dự tính, thì người mua vàng sẽ gặp rắc rối lớn về tài chính. Nếu có khả năng tài chính muốn đầu tư vàng vào giai đoạn này thì chỉ nên đầu tư 1/3 số tiền tiết kiệm của mình chứ không nên bỏ tất cả trứng vào một giỏ ", TS Nguyễn Trí Hiếu nói.