Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, bảng lương phi nông nghiệp tăng 150.000 đơn vào tháng trước. Con số hàng tháng thấp hơn so với dự báo của thị trường là 178.000 đơn. Báo cáo cũng lưu ý rằng tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ tăng lên 3,9% trong tháng 10.
Số lượng việc làm thấp hơn dự báo tạo động lực mua vững chắc khiến giá vàng tăng vọt. Giá vàng kỳ hạn tháng 12 lên mức 2.006,40 USD/ounce, tăng 0,66% trong ngày.
Theo một số nhà kinh tế, việc làm và tăng trưởng tiền lương yếu sẽ hỗ trợ kỳ vọng của thị trường rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã kết thúc chu kỳ thắt chặt.
Fed đã giữ nguyên lãi suất ngày 1/11. Theo công cụ CME FedWatch, thị trường hiện nhận thấy 80% khả năng Fed sẽ tạm dừng tăng lãi suất trong tháng 12.
Giá vàng thế giới tăng trong khi vàng trong nước giảm sâu.
Diễn biến giá vàng hôm nay
+ Giá vàng trong nước
Lúc 6h30 ngày 4/11, giá vàng tại Doji được niêm yết ở mức 69,6 - 70,4 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm 200.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán.
Trong khi đó, giá vàng tại SJC được niêm yết ở mức 69,65 - 70,35 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm 300.000 đồng/lượng ở cả hai chiều.
+ Giá vàng quốc tế
Sáng nay, giá vàng giao ngay tăng khoảng 8 USD lên mức 1.984 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 1.999,2 USD/ounce, tăng 5,7 USD so với rạng sáng qua.
Dự báo giá vàng
Nói về đà phục hồi của vàng, Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA, cho rằng mức 2.000 USD/ounce là rào cản tâm lý lớn đối với vàng và các chỉ báo động lượng cho thấy việc phá vỡ mức kháng cự này không hề dễ dàng.
Bất ổn địa chính trị thời gian qua đã thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu an toàn của vàng, giúp vàng có được mức tăng 7% trong tháng 10. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, những lo ngại về địa chính trị không thu hút được các nhà đầu tư dài hạn và đà tăng của vàng dường như đang cạn kiệt.
Tuy nhiên, nhìn về dài hạn, các nhà phân tích vẫn lạc quan cho rằng, kim loại quý này vẫn được hỗ trợ nhờ nhu cầu lành mạnh từ các ngân hàng trung ương, lo ngại về suy thoái kinh tế, xu hướng phi đô la hóa. Ngày càng có nhiều lo ngại rằng, nền kinh tế toàn cầu vẫn trên đà rơi vào suy thoái bất chấp mức tiêu dùng của Mỹ đã phục hồi tốt thế nào.