Trên Kitco, lúc 17h ngày 22/10 (giờ Việt Nam) giá vàng thế giới được niêm yết ở ngưỡng 1.657 USD/ounce, tăng 30 USD/ounce so với cuối chiều qua.
Giá vàng tăng mạnh sau thông tin của Wall Street Journal về cuộc tranh luận trong nội bộ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) về tốc độ nâng lãi suất. Một số vẫn muốn tăng 75 điểm cơ bản (0,75%) trong cuộc họp tháng 11. Số khác ra tín hiệu muốn giảm tốc sớm.
Chủ tịch Fed San Francisco Mary Daly cho biết Fed nên tránh đưa kinh tế Mỹ vào "một đợt suy giảm tự nhiên" vì thắt chặt quá tay. Ông cho rằng đã đến lúc giảm tốc nâng lãi suất.
Giá vàng hôm nay tăng vọt. (Ảnh minh họa).
Giá vàng rất nhạy cảm với lãi suất. Do lãi cao làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ công cụ không trả lãi như kim loại quý.
Tuần này, giá đã tăng hơn 1%, dù có thời điểm xuống thấp nhất kể từ cuối tháng 9. Michael Matousek – Giám đốc giao dịch tại U.S. Global Investors cho rằng khi giá xuống thấp, nhà đầu tư đã tận dụng cơ hội để mua vào.
+ Giá vàng trong nước
Lúc 17h ngày 22/10, trên sàn giao dịch của Doji, giá vàng được niêm yết ở mức 66,5 - 67,5 triệu đồng/lượng (mua - bán).
Trong khi đó, trên sàn giao dịch của SJC, vàng SJC có giá mua vào là 66,5 triệu đồng/lượng, bán ra là 67,5 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại được giao dịch quanh 52,4 - 53,4 triệu đồng/lượng.
+ Giá vàng quốc tế
Giá vàng thế giới đứng ở ngưỡng 1.657 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12/2022 cũng ít biến động, đứng ở ngưỡng 1.658 USD/ounce.
Thị trường phiên cuối tuần này tập trung vào diễn biến trên thị trường trái phiếu khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tiếp tục tăng mạnh.
Cụ thể, lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ hiện đạt 4,278%, đây là mức cao nhất kể từ năm 2008.
Cục Dự trữ Liên Mỹ (Fed) đang rất nỗ lực trong việc khắc phục vấn đề lạm phát và sẵn sàng để nền kinh tế Mỹ đình trệ, nhằm đạt được mục tiêu giảm lạm phát nhanh hơn.
Diễn biến này khiến thị trường cổ phiếu và thị trường hàng hoá sụt giảm nhưng lại đẩy đồng USD tăng giá.
Hãng xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings cho rằng, các nguyên tắc cơ bản không còn quan trọng đối với triển vọng kim loại quý, với kỳ vọng tăng lãi suất và lo ngại xung quanh vấn đề năng lượng.
Nhà phân tích hàng hóa liên kết Aude Marjolin tại S&P Global nhận định: "Giá kim loại phải đối mặt với những sóng gió kinh tế vĩ mô. Bức tranh kinh tế vĩ mô ảm đạm của năm tới đang đè nặng lên kim loại quý, chứ không phải các yếu tố cơ bản. Và lạm phát cao không cho Fed cơ hội dừng quá trình tăng lãi suất".
Ông Marjolin viết trong dự báo giá mới nhất rằng: “Về cơ bản, Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong tháng 11, nếu ngân hàng này cố gắng đạt tỷ lệ lạm phát mục tiêu 2%. Ngân hàng Trung ương châu Âu và các ngân hàng trung ương của Na Uy, Thụy Điển và Thụy Sỹ cũng đã tăng lãi suất trong tháng 9, do lạm phát trong khu vực đồng Euro đạt 10% - mức cao nhất kể từ khi đồng Euro ra đời".
Về triển vọng của vàng, hãng xếp hạng tín nhiệm này nhận thấy, giá vàng trung bình trong năm nay là 1.842 USD/ounce, năm sau là 1.800 USD, năm 2024 là 1.769 USD, năm 2025 là 1.757 USD và năm 2026 là 1.753 USD.
Nhà phân tích Marjolin lưu ý: “Vàng là kẻ thất bại bất ngờ trong môi trường kinh tế vĩ mô hiện tại".
Ông Stephen Innes, đối tác quản lý tại SPI Asset Management cho biết, giá vàng có thể sẽ tiếp tục giảm vì Fed mới chỉ thực hiện được một nửa chu kỳ thắt chặt tiền tệ và có rất nhiều dư địa để tăng lãi suất. Mặc dù vàng được xem là kênh đầu tư an toàn trong thời kỳ lạm phát và bất ổn kinh tế, song lãi suất của Mỹ cao làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.
Chủ tịch Fed chi nhánh Philadelphia Patrick Harker cho hay, Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong một khoảng thời gian nữa, qua đó củng cố thêm đồn đoán gần đây của thị trường.