Với người đảng viên, không ai quên được những giờ phút của Lễ kết nạp Đảng. Từ cảm xúc sâu thẳm trong tim, người được kết nạp vào Đảng vung nắm tay thề đi theo con đường của Đảng, của Bác Hồ đã lựa chọn. Từ đó, người đảng viên càng ý thức rõ chặng đường tiếp tục tu dưỡng phấn đấu cho lý tưởng cao đẹp, phụng sự Tổ quốc, Nhân dân.
Trên con đường đó, tuyệt đại đa số đảng viên tràn đầy tinh thần phấn đấu hy sinh, vững bước tiến lên với lòng tin son sắt vào con đường Đảng đã chỉ, góp phần đưa đất nước, dân tộc tới đài vinh quang.
Nhưng đâu đó cũng có những đảng viên nản lòng thoái chí, thậm chí - bội ước lại lời thề năm xưa.
Podcast: "Tôi tiếc mình đã không làm tròn lời thề năm xưa"
Câu chuyện của hai người phụ nữ, tất nhiên, bắt đầu từ cuộc sống đời thường của người vợ, người mẹ; nhưng rồi theo mạch suy nghĩ của chị lại gợi đến lời thề trong lễ kết nạp Đảng, sự phấn đấu tu dưỡng của người đảng viên, khát vọng cháy bỏng để lại được đứng trong hàng ngũ của Đảng… sau khi được trở về hòa nhập với xã hội.
Trong câu chuyện của chị, lời cảm thán “Nếu tôi giữ được lời thề…” được nhắc đi nhắc lại vừa như nuối tiếc, vừa như sự thôi thúc để chị quyết tâm làm lại cuộc đời.
Chị T.T.T. đã bước vào tuổi 40. Vợ chồng chị đều có công ăn việc làm ổn định ở cơ quan nhà nước: T.T.T. làm việc tại viện kiểm sát, còn chồng chị công tác tại công an tỉnh. Thu nhập tuy không cao, nhưng cũng là nơi mà nhiều người mơ nhưng ít người đạt được.
3 đứa con ra đời, chị cố gắng buôn thêm hàng xách tay để gia đình thêm đồng ra đồng vào. Nhắc đến chồng, gương mặt chị T. ướt nhòe vì xúc động nhưng ánh mắt vẫn long lanh, tràn ngập sự tự tin của người phụ nữ vốn được yêu thương, chiều chuộng. “Anh ấy rất hiền, tin tưởng tuyệt đối vào vợ nên giao tôi hết quyền nắm kinh tế, quán xuyến gia đình…”, hai bàn tay chị nắm chặt vào nhau, nghẹn ngào kể lại.
Nếu như chị không kéo chồng cùng dính vào vòng lao lý thì có lẽ hôm nay người phụ nữ này đang rạng rỡ, đắm chìm hạnh phúc cùng chồng, con trong ngày lễ 20/10. Nhưng thực tế lại kéo chị lại với nỗi đau đang gánh chịu.
“Do cần tiền đầu tư bán hàng xách tay nên tôi làm hợp đồng mua bán nhà để thế chấp vay tiền. Mặc dù thực chất tôi vay tiền, trả lãi ngày nhưng trong hợp đồng ghi rõ là hợp đồng chuyển nhượng. Cùng một sổ đỏ, tôi giao dịch với 2 người nên người ta kiện tôi tội lừa đảo…”, T.T.T. cho hay.
T. cho rằng, bị đẩy đến hoàn cảnh trớ trêu này do ước mơ làm cho cuộc sống gia đình đủ đầy hơn trong chị quá lớn, có những lúc che mờ đi cả lý trí của chị, làm mất đi cả những gì cha mẹ, vợ chồng con cái chị đã gầy dựng trong suốt bao năm.
Tại trại giam Ngọc Lý (Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng - C10, Bộ Công an) T.T.T. (người quét sân) và nhiều phạm nhân khác đang nỗ lực cải tạo để sớm được ân xá, trở về đóng góp cho xã hội.
Là người công tác nhiều năm trong môi trường thực thi pháp luật nhưng nữ phạm nhân từng là kiểm sát viên lại không nghĩ ranh giới giữa vụ án hình sự và dân sự khoảng cách rất ngắn. T.T.T. bị kết tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Chồng chị là người cùng ký vào hợp đồng có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền nên là đồng phạm trong vụ án. Sau đó, người chồng đang giữ chức vụ quản lý tại công an tỉnh bị đình chỉ công tác và tước quân tịch.
“Tôi bị bắt năm 2018, sau đó khoảng 7 tháng, chồng tôi bị đình chỉ công tác và bị bắt. Theo bản án, số tiền chúng tôi chiếm đoạt là 10 tỷ đồng. Tôi chịu mức án 17 năm 6 tháng, còn chồng tôi 14 năm”, T.T.T. chua xót nói.
Khi sóng gió ập đến, người chồng trải qua cú sốc mất mát quá lớn tinh thần không ổn định, trách cứ vợ. Nhưng dần dần, anh lấy lại sự bình tĩnh và bao dung. Vào những ngày lễ, hoặc dịp nào đó có cơ hội, anh xin các cán bộ chuyên môn, cán bộ quản giáo được gặp gỡ, để vợ chồng động viên nhau có nghị lực vượt qua khó khăn hiện tại.
Còn T. mỗi khi hồi tưởng về quá khứ của hai vợ chồng lại càng thêm tủi thân, đau đớn. Là người am hiểu luật pháp nhưng lại vi phạm pháp luật khiến những ngày đầu khi mới bị bắt, tâm trạng của T. luôn day dứt, dày vò. Trớ trêu hơn nữa, tại trại giam chị gặp lại phạm nhân từng là người chị đã theo dõi họ trong các vụ án, buộc tội họ trên tòa. Họ biết hoàn cảnh và thấy T. gần gũi, tình cảm nên không ngại ngần an ủi, giúp đỡ.
“Có lần đồng nghiệp cùng phòng ban với tôi đến đây công tác chuyên môn đã chủ động gặp gỡ, động viên tôi. Tôi được an ủi phần nào nhưng cũng thấy tự ti, xấu hổ lắm…”, T. cười chua chát, những giọt nước mắt cứ ầng ậng sau cặp kính cận, chỉ chực trào ra.
T.T.T. lý giải, khi gặp đồng nghiệp cũ, ký ức năm xưa lại ùa về khiến chị đau xót nhưng cũng là động lực để chị phấn đấu. Chính họ là người năm xưa đã giúp đỡ chị trong công việc, có người đã là tấm gương cho chị đến với tổ chức Đảng.
Đồng nghiệp còn gặp là còn yêu thương, còn tin tưởng khiến T. càng tiếc công phấn đấu bao nhiêu năm của mình. Từ một cô sinh viên mới ra trường, T. về công tác tại viện kiểm sát nhân dân huyện. 3 năm sau, T. được chuyển lên tỉnh, làm thư ký cho Viện trưởng Viện KSND. Tại đây, chị được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sinh ra trong gia đình hai bên nội ngoại đều có nhiều người đứng trong hàng ngũ của Đảng, vì vậy, trở thành đảng viên khi tròn 26 tuổi vừa là hoàn thành mục tiêu phấn đấu vừa là niềm tự hào của T.T.T. Càng vui hơn, trong cùng năm đó chồng chị cũng trở thành đảng viên.
“Khi tôi chưa bị bắt, ông nội chồng đón nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Trước đó, bố chồng tôi nhận huy hiệu 30 năm tuổi Đảng. Cha mẹ cùng anh em của chúng tôi đều là đảng viên”, T.T.T. tự hào kể lại.
Nhắc đến truyền thống gia đình, T. bày tỏ sự ân hận khôn cùng. Chị khóc, những giọt nước mắt cứ lăn dài trên má… Tôi yên lặng tôn trọng những cảm xúc đang ùa về trong chị.
“Đến giờ phút này không còn được đứng trong hàng ngũ của Đảng, thực sự tôi rất tiếc nuối. Vào đây, tôi mới càng thấm thía 4 lời thề ngày xưa tôi đọc trong lễ kết nạp Đảng chính là những điều cơ bản để giữ cho tôi thành con người tốt, thực hiện đúng pháp luật, xứng đáng là người con, người vợ, người chị, người em của những người thân trong gia đình có nhiều đảng viên và đồng nghiệp trong đơn vị”, T.T.T. chia sẻ
Sau khi nhận quyết định bị đình chỉ công tác, T. bị bắt tạm giam ngay lập tức. Bởi vậy, T. vẫn luôn day dứt vì chưa có cơ hội được gặp, nói lời xin lỗi trước Ban cán sự Đảng của Viện KSND tỉnh, cũng như các lãnh đạo, đồng nghiệp đơn vị nơi mình từng công tác.
Thật không ngờ, sau những giọt nước mắt, những tiếng khóc nghẹn ngào là cả một sự quyết tâm lớn lao của T.T.T. Người đàn bà tuổi 40 nói thật rành rẽ và dứt khoát: “Tôi rất hối tiếc! Nhưng gần 5 năm trong trại, được sự động viên của gia đình, của chồng, của các cán bộ tôi thấy hối tiếc suông là vô ích. Làm lại cuộc đời dù ở tuổi nào không bao giờ là muộn cả.
Tôi đã vạch ra lộ trình cho cuộc đời mới của mình. Trước hết, ở trong này, tôi sẽ thực hiện đúng nội quy, quy định của trại, cố gắng lập thành tích để được giảm án. Tôi tiếc là mình đã không làm tròn lời thề năm xưa, nhưng cũng rất may, với quá trình phấn đấu dù là rất nhỏ nhoi đó cũng sẽ giúp tôi sớm trở về với gia đình, xã hội.
Sau này được ra trại, tôi sẽ cố gắng trở thành một công dân lương thiện. Tôi sẽ nỗ lực vượt bậc trong công tác xã hội. Tôi muốn phấn đấu để lại được đứng trong hàng ngũ của Đảng, tổ chức mà tất cả những người thân thương trong gia đình tôi và nhiều đồng nghiệp của tôi đã tin tưởng và phấn đấu để vinh dự được tham gia”.
Chị nói, bạn đừng nghĩ đây là những lời giả dối tôi nói với nhà báo để được khen. Theo quy định thăm nuôi, ông bà, anh chị em đều đưa các con tôi vào trại thăm tôi. Vợ chồng tôi cũng được gặp nhau mỗi khi có dịp. Mọi người đều động viên tôi cố gắng để gia đình sớm sum họp, làm lại những gì thuở thanh xuân đã ước mơ.
Những điều ấy các cán bộ trong trại đã kể sơ lược với tôi, T.T.T. có gia đình nhiều người là đảng viên, phục vụ trong lực lượng công an, quân đội. Các con T. cháu lớn nhất đang học lớp 8, cháu nhỏ nhất vừa vào lớp 1.
Gia đình và các con là động lực thúc đẩy chị vượt qua những cú sốc, quyết tâm làm lại cuộc đời. Gia đình cũng nhiều lần đặt vấn đề với trại để động viên chị rèn luyện bản lĩnh sớm được trở về với gia đình.
Trước khi chia tay, T.T.T nắm tay tôi nói: “Tôi có lỗi với gia đình, với chồng con, với cơ quan và cao nhất - với Đảng. Với tôi, Đảng là những người không bỏ rơi tôi trong lúc tuyệt vọng nhất, khó khăn nhất - đó chính là những người đảng viên trong gia đình tôi, những cán bộ quản giáo ở đây, những đồng nghiệp xưa.
Tôi vẫn quyết tâm tìm lại những gì xưa kia tôi đã phấn đấu làm được. Bố mẹ anh em tôi đã là tấm gương cho tôi để khi xưa tôi phấn đấu tìm được chỗ đứng trong xã hội, nay họ đang nuôi nấng con của chúng tôi, động viên tôi. Từ nay, tôi không thể phụ công ơn họ, phản bội lại lời thề của tôi năm xưa. Tôi mong muốn 3 con của mình sau này đều được đứng trong hàng ngũ của Đảng để noi theo và kế thừa phát huy những gì mà những người thân trong gia tộc đã làm được.
Cha mẹ chúng trong những phút giây sa ngã, không làm chủ được mình trước những cám dỗ, không giữ được phẩm chất, đạo đức của người đảng viên. Họ đang phải phấn đấu trở lại trong môi trường khắc nghiệt hơn, từ một xuất phát thấp hơn rất nhiều. Cuộc đời chúng tôi là kinh nghiệm đau xót để các con nhìn nhận cho bản thân mà phấn đấu”.