Theo Ngân hàng Thế giới (WB), các quốc gia trên thế giới thu được mức ngân sách kỷ lục 104 tỷ USD từ các khoản thuế và phí chống phát thải khí CO2 trong năm 2023. Tuy nhiên WB vẫn cảnh báo con số này quá thấp để thúc đẩy các thay đổi cần thiết nhằm giảm thiểu lượng khí thải và đáp ứng các mục tiêu đề ra trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Nhiều quốc gia đang áp dụng việc định giá phát thải khí CO2 để đạt được mục tiêu khí hậu bằng cách buộc các bên gây ô nhiễm phải trả phí dưới dạng thuế, hoặc hệ thống mua bán phát thải.
Hình ảnh từ trên cao chụp nhà máy sản xuất than đen của Công ty Omsktechuglerod tại Omsk, Nga. (Ảnh: Reuters)
Theo báo cáo ‘Thực trạng và Xu hướng Thị trường Carbon' của Ngân hàng Thế giới, định giá CO2 đóng vai trò thiết yếu trong các chính sách nhằm đáp ứng các mục tiêu của Thỏa thuận Paris về Biến đổi Khí hậu, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng phát thải thấp.
Hiện có 75 hệ thống định giá carbon trên toàn cầu đang hoạt động, tăng thêm hai hệ thống so với một năm trước. Doanh thu từ thuế carbon trong năm 2023 cũng đạt mức kỷ lục so với mức 95 tỷ USD năm 2022.
Báo cáo cũng cho biết, chưa đến 1% lượng khí thải nhà kính toàn cầu đang chịu đánh thuế trực tiếp và chỉ ở mức khuyến nghị của Ủy ban Cấp cao về Giá Carbon (HLCCP).
Một báo cáo của HLCCP vào năm 2017 chỉ ra rằng, giá carbon cần đạt mức 50-100 USD/tấn vào năm 2030 để duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C. Sau khi điều chỉnh theo lạm phát, mức giá này hiện cần phải nằm trong khoảng 63-127 USD/tấn.
Đóng góp lớn nhất vào doanh thu carbon toàn cầu là Hệ thống Thương mại Khí thải EU (EU ETS). Dù vậy việc Liên minh châu Âu giảm mức định giá carbon có thể sẽ ảnh hưởng đến đoanh thu từ thuế carbon trong năm 2024.
Theo quy định của EU về phát thải carbon, các công ty phát thải khí CO2 hiện phải mua lại carbon với mức 73 euro/tấn, giảm so với mức khoảng 80 euro/tấn hồi đầu năm và mức kỷ lục hơn 100 euro/tấn vào tháng 2/2023.