Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Giá điện lên mức cao nhất 3.015 đồng/kWh, người dân phải trả thêm bao nhiêu?

(VTC News) -

Theo EVN, với mức điều chỉnh tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành, tiền điện trả thêm của các hộ dân là không đáng kể.

Giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 1.826,22 đồng/kWh hiện tại lên mức 1.920,37 đồng/kWh tương đương với mức tăng 3% từ ngày 4/5.

Mức giá bán lẻ điện cho sinh hoạt sẽ tăng theo các bậc thang và mức cao nhất là 3.015 đồng/kWh.

Biểu giá điện mới so với hiện hành

Điện bán lẻ cho sinh hoạt Giá mới (đồng/kWh) Giá cũ (đồng/kWh)
Bậc 1: Từ 0-50kWh 1.728 1.8678
Bậc 2: Từ 51-100kWh 1.786 1.734
Bậc 3: Từ 101-200kWh 2.074 2.014
Bậc 4: Từ 201-300kWh 2.612 2.536
Bậc 5: Từ 301-400kWh 2.919 2.834
Bậc 6: Từ 401 kWh trở lên 3.015 2.927

Theo EVN, hiện nay, trong cơ cấu các khách hàng sử dụng điện, có khoảng 528.000 khách hàng kinh doanh dịch vụ, bình quân mỗi tháng khách hàng kinh doanh trả tiền điện 5,3 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá, mỗi tháng khách hàng sẽ phải trả thêm 141.000 đồng.

Với 1,822 triệu hộ sản xuất, bình quân mỗi tháng mỗi hộ sản xuất phải trả 10,6 triệu đồng tiền điện. Sau khi thay đổi giá, mỗi tháng, mỗi hộ sản xuất sẽ trả thêm 307.000 đồng.

Có 662.000 khách hàng hành chính sự nghiệp, bình quân mỗi tháng mỗi khách hàng hành chính sự nghiệp trả tiền điện 2,01 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá, mỗi tháng mỗi khách hàng này sẽ trả thêm là 40.000 đồng.

Giá điện tăng tối đa 3% từ ngày 4/5/2023. (Ảnh minh họa)

Với các hộ tiêu thụ, theo tính toán từ EVN, tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 50 kWh/tháng là 2.500 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện dưới 50 kWh toàn EVN năm 2022 là 3,33 triệu hộ, chiếm 11,98% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt).

Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 100 kWh/tháng là 5.100 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện từ 51-100 kWh toàn EVN năm 2022 là 4,7 triệu hộ, chiếm 16,85% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt).

Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 200 kWh/tháng là 11.100 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện từ 101-200 kWh toàn EVN năm 2022 là 10,04 triệu hộ, chiếm 36,01% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt), đây là nhóm khách hàng đang chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 300 kWh/tháng là 18.700 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện từ 201-300 kWh toàn EVN năm 2022 là 4,96 triệu hộ, chiếm 17,81% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt).

Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 400 kWh/tháng là 27.200 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện từ 301-400 kWh toàn EVN năm 2022 là 2,21 triệu hộ, chiếm 7,95% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt).

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN cũng cho biết: “Với nhóm khách hàng là các doanh nghiệp, nhà máy sắt thép, việc tăng giá điện sẽ tăng khoảng 0,78% giá thành, đối với khách hàng sản xuất xi măng tăng khoảng 0,45% giá thành và đối với sản xuất giấy tăng 0,4%”.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng Giám đốc EVN, việc điều chỉnh tăng giá điện lần này sẽ giúp EVN giảm thiểu bớt khó khăn về tình hình tài chính. Theo đó, doanh thu 8 tháng còn lại của năm 2023 dự báo tăng khoảng 8.000 tỷ đồng.

PHẠM DUY

Tin mới