Theo ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng Giám đốc EVN, việc điều chỉnh tăng giá điện lần này sẽ giúp EVN giảm thiểu bớt khó khăn về tình hình tài chính. Theo đó, doanh thu 8 tháng còn lại của năm 2023 dự báo tăng khoảng 8.000 tỷ đồng.
“Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân được tính toán dựa trên các yếu tố gồm phát điện, truyền tải, phân phối, bán lẻ, trong đó chi phí phát điện chiếm tỉ trọng lớn nhất - theo tính toán khoảng hơn 83%, trong tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN, các khâu còn lại chiếm tỷ trọng gần 17%”, ông Nam nói.
Ông Nam thông tin thêm, giá bán lẻ điện bình quân hiện hành được thực hiện theo Quyết định số 648 ngày 20/3/2019. Trong 4 năm qua, thông số đầu vào để tính toán giá bán lẻ điện bình quân đã có nhiều biến động.
Trước tác động của các biến động trên thế giới và các yếu tố cung - cầu trên thị trường, giá các loại nhiên liệu cung ứng cho sản xuất điện như là than, xăng dầu, khí đều tăng rất cao so với trước, dẫn đến giá điện ở nhiều nước tăng cao.
Chi phí nhiên liệu mà chúng ta phải nhập khẩu để sản xuất điện cũng tăng theo giá thế giới, do đó đã làm cho chi phí phát điện tăng theo.
Lãnh đạo EVN cung cấp thông tin về việc tăng giá điện từ ngày 4/5.
Trả lời thêm về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, đối với giá bán lẻ bình quân mới, tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 50 kWh/tháng là 2.500 đồng/hộ/tháng. Trong đó, số hộ sử dụng điện dưới 50 kWh toàn EVN năm 2022 là 3,33 triệu hộ, chiếm 11,98% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt.
Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 100 kWh/tháng là 5.100 đồng/hộ/tháng; số hộ sử dụng điện từ 51-100 kWh toàn EVN năm 2022 là 4,7 triệu hộ, chiếm 16,85% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt.
Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 200 kWh/tháng là 11.100 đồng/hộ; số hộ sử dụng điện từ 101-200 kWh toàn EVN năm 2022 là 10,04 triệu hộ, chiếm 36,01% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt. Đây là nhóm khách hàng đang chiếm tỉ trọng lớn nhất.
Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 300 kWh/tháng là 18.700 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện từ 201-300 kWh toàn EVN năm 2022 là 4,96 triệu hộ, chiếm 17,81% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt.
Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 400 kWh/tháng là 27.200 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện từ 301-400 kWh toàn EVN năm 2022 là 2,21 triệu hộ, chiếm 7,95% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt.
Cũng theo số liệu năm 2022, EVN có 528.000 khách hàng kinh doanh dịch vụ, bình quân mỗi tháng khách hàng kinh doanh trả tiền điện 5,3 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá mỗi tháng sẽ trả thêm là 141.000 đồng/tháng;
Có khoảng 1,8 triệu hộ sản xuất, bình quân mỗi tháng mỗi hộ sản xuất trả tiền điện 10,6 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi, giá điện mỗi tháng sẽ tăng thêm 307.000 đồng/tháng.
Có 662.000 khách hàng hành chính sự nghiệp, bình quân mỗi tháng mỗi khách hàng trả tiền điện 2,01 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi, giá mỗi tháng khách sẽ trả tăng thêm 40.000 đồng/tháng.
Sáng 4/5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, căn cứ quyết định của Thủ tướng quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, EVN đã có Quyết định số 377/QĐ-EVN ngày 27/4/2023 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,37 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 4/5. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.
Quyết định này cũng đã được Bộ Công Thương đồng ý về chủ trương.