Dữ liệu trên Oilprice lúc 6h ngày 4/2/2024 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI ở mốc 72,41 USD/thùng, giảm 2,09% (tương đương giảm 1,54 USD/thùng). Tương tự, giá dầu Brent ở mốc 77,67 USD/thùng, giảm 1,74% (tương đương giảm 1,37 USD/thùng).
Giá dầu ghi nhận kết thúc tuần lao dốc chìm trong sắc đỏ khi sự lạc quan ngày càng tăng về lệnh ngừng bắn kéo dài trong cuộc chiến Israel-Hamas đã hạ nhiệt rủi ro nguồn cung tăng lên giá cả.
Giá dầu thế giới giảm mạnh phiên cuối tuần. (Ảnh minh hoạ: Reuters)
Nhiều phương tiện truyền thông đưa tin các nhà lãnh đạo Israel và Hamas đang xem xét lệnh ngừng bắn mà nhiều người kỳ vọng sẽ đánh dấu sự 'hạ nhiệt' trong căng thẳng quân sự ở Trung Đông, vốn là điểm hỗ trợ chính cho giá dầu trong những tháng gần đây.
Các cuộc tấn công của nhóm Houthi ở Yemen, nhằm vào các tàu ở Biển Đỏ đã làm gián đoạn hoạt động vận chuyển trong khu vực. Sau khi các lực lượng do Hoa Kỳ lãnh đạo gần đây đã tấn công lại lực lượng Houthi, cuộc xung đột đã khiến một số nhà khai thác vận tải tránh xa Kênh đào Suez. Điều này chỉ ra khả năng xảy ra sự chậm trễ trong việc giao dầu ở châu Âu và châu Á.
Do điểm tranh chấp chính của người Houthi là cuộc chiến Israel-Hamas, bất kỳ sự xuống thang nào trong cuộc xung đột dự kiến sẽ làm giảm căng thẳng ở Biển Đỏ, dỡ bỏ mọi gián đoạn đối với nguồn cung dầu.
Bên cạnh đó, chỉ số Đô la Mỹ tăng vọt hôm thứ Sáu sau khi dữ liệu việc làm hàng tháng của Hoa Kỳ cho thấy nền kinh tế đã tạo ra 353.000 việc làm vào tháng trước, từ mức tổng số được điều chỉnh tăng lên là 333.000 trong tháng 12 và cao hơn đáng kể so với mức dự kiến là 187.000 việc làm.
Việc đồng Đô la Mỹ mạnh hơn làm cho dầu, được định giá bằng Đô la Mỹ, đắt hơn và kém hấp dẫn hơn đối với người mua nước ngoài. Những con số mạnh mẽ này theo sau việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hạ thấp kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất sớm vào năm 2024, trong cuộc họp đầu tuần này.
Việc giữ lãi suất ở mức cao có thể làm giảm hoạt động kinh tế hơn nữa, dự báo sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu dầu thô tại quốc gia tiêu dùng lớn nhất thế giới.
Theo Reuters, biên chế phi nông nghiệp của Mỹ đã tăng 353.000 vào tháng trước, vượt mức kỳ vọng của các nhà kinh tế là 180.000. Trong tháng 1, thu nhập trung bình mỗi giờ tăng lên mức 0,6%, cao hơn so với mức 0,4% hồi tháng 12/2023. Việc làm tại Mỹ tăng làm giảm khả năng Fed sớm cắt giảm lãi suất, khiến nhu cầu dầu thô có thể giảm.
Với 4 phiên giảm giá và chỉ 1 phiên tăng giá, giá dầu tuần này đã giảm sốc gần 7%, chấm dứt chuỗi tăng 2 tuần trước đó. Giá dầu Brent kết thúc tuần ở mức 77,33 USD/thùng, giá dầu WTI đóng cửa ở mức 72,28 USD/thùng.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 4/2/2024 được áp dụng theo phiên điều chỉnh từ 15h ngày 1/2 của Liên Bộ Tài chính – Bộ Công Thương.
Giá xăng trong nước tăng 4 lần liên tiếp kể từ đầu năm 2024 đến nay. (Ảnh minh hoạ: Công Hiếu)
Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 lên mốc 22.913 đồng/lít; xăng RON 95 lên mốc 24.160 đồng/lít.
Tương tự, giá dầu diesel lên mốc 20.999 đồng/lít; dầu hỏa lên mức 20.923 đồng/lít. Dầu mazut trong phiên điều chỉnh lần này đã được tăng giá, cụ thể, tăng lên mốc 16.087 đồng/kg.
Theo lý giải của Bộ Công Thương, giá xăng dầu trong nước có sự thay đổi như trên do chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: Tình hình căng thẳng ở Trung Đông, dự trữ dầu thô tại Mỹ tăng lên, khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc (quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu trên thế giới) làm dấy lên lo ngại về nhu cầu dầu… Các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu thế giới trong những ngày vừa qua có biến động tăng lên rồi giảm xuống.
Liên quan đến Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) tại kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định: Trích lập Quỹ BOG đối với dầu mazut, không trích lập Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng, dầu diesel và dầu hỏa; không chi sử dụng Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.
Đây là lần tăng giá thứ 4 liên tiếp của mặt hàng xăng kể từ đầu năm đến nay.