Giá dầu châu Á sụt giảm trong phiên chiều 22/4, chịu ảnh hưởng bởi triển vọng kinh tế thế giới tăng trưởng yếu đi, lãi suất cao hơn và các lệnh phong tỏa ngừa COVID-19 tại nhiều nơi ở Trung Quốc và thậm chí cả việc Liên minh châu Âu (EU) cân nhắc cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga sẽ càng siết chặt nguồn cung năng lượng.
Trong phiên này, giá dầu thô Brent Biển Bắc giảm 76 xu Mỹ (tương đương 0,7%) xuống 107,57 USD/thùng vào lúc 15h10.
Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) kỳ hạn cũng giảm 32 xu Mỹ (0,3%) xuống 103,47 USD/thùng. Giá cả 2 loại dầu này đều hướng tới mức giảm hơn 3% trong tuần này.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell ngày 21/4 cho biết, việc tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản “sẽ được đưa lên bàn” cân nhắc tại cuộc họp chính sách vào tháng Năm của Fed.
Giá dầu châu Á sụt giảm nhẹ trong phiên chiều 22/4. (Ảnh: TTXVN)
Ông Jeffrey Halley, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao của công ty môi giới tài chính OANDA (Mỹ), cho biết, trong giai đoạn này, lo ngại về đà tăng trưởng của Trung Quốc và kế hoạch siết chặt chính sách tiền tệ của Fed để hạn chế lạm phát tăng cao cùng với lo ngại về nguồn cung bị thắt chặt trước khả năng EU cấm nhập khẩu dầu của Nga.
Ngoài ra, triển vọng cho nhu cầu của Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, tiếp tục ảnh hưởng xấu đến nhu cầu năng lượng. TP Thượng Hải thông báo triển khai một loạt biện pháp mới bao gồm xét nghiệm COVID-19 hàng ngày từ ngày 23/4, qua đó bổ sung các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn các đợt bùng phát dịch COVID-19 mới.
Giá dầu mỏ tiếp tục nhận được hỗ trợ bởi nguồn cung siết chặt sau khi gián đoạn nguồn cung tại Libya, với việc sản lượng mất 550.000 thùng/ngày do các lệnh phong tỏa tại các mỏ khai thác chính và các bến cảng xuất khẩu. Và nguồn cung năng lượng có thể thắt chặt hơn nếu EU cấm vận nhập khẩu dầu mỏ Nga.