Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Kinh tế châu Âu sẽ lâm nguy nếu loại bỏ hoàn toàn dầu mỏ và khí đốt Nga

(VTC News) -

Một số nhà phân tích cho rằng, nếu chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng Nga, châu Âu sẽ rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế, kéo theo lạm phát.

Các chính trị gia châu Âu đang nỗ lực thực hiện các biện pháp gây sức ép buộc Nga phải chấm dứt chiến dịch quân sự ở Ukraine. Chính phủ của hầu hết các nước châu Âu đều cho rằng việc kích động một cuộc xung đột vũ trang với Nga - quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân- không phải là điều đúng đắn, vì thế biện pháp khả thi nhất là cố gắng trừng phạt Moscow bằng cách chấm dứt việc nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt, nguồn thu quan trọng của Nga.

Một trạm nén khí của đường ống Yamal-châu Âu tại Ba Lan. (Ảnh: Reuters)

Vấn đề nằm ở chỗ chiến thuật này không có tác dụng răn đe với Nga lâu dài vì Moscow có thể xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt sang các thị trường bên ngoài châu Âu. Nhiều quốc gia đã từ chối tham gia lệnh cấm vận và trừng phạt thương mại Nga mà phương Tây phát động, thay vào đó chọn cách tiếp cận cân bằng hơn.

Một số nhà phân tích cho rằng, nếu chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng Nga, chi phí sinh hoạt của người dân tại châu Âu sẽ bị đẩy lên cao, lạm phát gia tăng, trong khi chính phủ các nước châu Âu rất khó đạt được mục tiêu cắt đứt nền kinh tế Nga khỏi thị trường toàn cầu.

Mặc dù Pháp đã lên tiếng ủng hộ lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ Nga, nhưng hầu hết các nước châu Âu vẫn do dự ban hành lệnh cấm này. Nguyên nhân là do châu Âu ngày càng phụ thuộc vào nguồn khí đốt tự nhiên của Nga trong khi kế hoạch thúc đẩy sản xuất nguồn năng lượng tái tạo vẫn chưa rõ ràng. Các chính trị gia châu Âu đã nhiều lần bàn về việc áp đặt những biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn với Nga, song vẫn chưa đề cập việc loại bỏ hoàn toàn dầu mỏ và khí đốt Nga.

Tuy vậy, tuần trước, Nghị viện châu Âu đã bắt đầu soạn thảo kế hoạch cấm nhập khẩu hoàn toàn dầu khí của Nga. Tất nhiên, châu Âu vẫn muốn tiến hành kế hoạch đó một cách từ từ.

AFP dẫn thông tin từ các quan chức châu Âu cho biết, việc soạn thảo và chuẩn bị cho lệnh cấm như vậy có thể sẽ mất "vài tháng". Điều này có thể khiến Moscow có thêm thời gian để chuẩn bị hậu cần cho việc chuyển hướng xuất khẩu dầu sang các khu vực khác trên thế giới.

Theo các nhà phân tích tại JP Morgan, nếu châu Âu cấm nhập khẩu dầu mỏ Nga ngay lập tức, giá dầu trong khu vực và nhiều nơi khác sẽ tăng vọt.

Natasha Kaneva, Trưởng bộ phận Chiến lược Hàng hóa Toàn cầu tại J.P. Morgan nhận định, nếu EU áp đặt gói trừng phạt thứ 6 với Nga liên quan đến chiến dịch quân sự tại Ukraine và quyết định cấm nhập khẩu hoàn toàn dầu mỏ Nga có hiệu lực ngay lập tức thì giá dầu thô Brent có thể tăng đến mức kỷ lục 185 USD/thùng, tăng 63% so với mức giá 113,16 USD ghi nhận ngày 18/4. Động thái này sẽ cắt giảm hơn 4 triệu thùng/ngày trong nguồn cung của Nga. Trung Quốc và Ấn Độ hoặc những bên mua tiềm năng khác sẽ không thể sớm hấp thụ hết lượng dầu đó.

Kinh tế châu Âu lâm nguy

Các nhà hoạch định chính sách cho rằng, lệnh cấm có thể khiến các nền kinh tế châu Âu rơi vào suy thoái. Hungary đã nhiều lần phản đối kế hoạch cấm vận dầu mỏ Nga vì lo sợ lệnh cấm gây khó khăn cho cuộc sống của người dân nước này – vốn có mức sống thấp hơn những nước như Đức hoặc Pháp. Trái lại các nhà hoạch định chính sách của Pháp đang xem xét thời gian hợp lý để ban hành lệnh cấm sau cuộc bầu cử năm nay.

Cuộc khủng hoảng nguồn cung dầu mỏ tại châu Âu nhiều khả năng sẽ không thể được xoa dịu trong một sớm một chiều vì OPEC đã tuyên bố nhóm này không thể gia tăng sản lượng để thay thế dầu của Nga. Châu Âu vẫn chưa thể thuyết phục các thành viên OPEC tham gia trừng phạt hoặc cô lập Nga trên thị trường dầu mỏ. Xung đột Nga-Ukraine dường như không phải là một chủ đề quan trọng đối với OPEC và Saudi Arabia thời gian gần đây đã tuyên bố tăng cường hợp tác với Nga.

Tuy vậy, lệnh cấm chắc chắn sẽ gây tổn thương đối với nền kinh tế Nga. Moscow sẽ cần thời gian để tìm kiếm những khách hàng mới bên ngoài châu Âu. Điều này đồng nghĩa với việc doanh thu từ dầu mỏ của Nga sẽ giảm, ít nhất là về ngắn hạn. Chưa kể các biện pháp trừng phạt tài chính của Mỹ sẽ khiến các thương nhân Nga khó làm ăn trên toàn cầu.

Mặc dù phương Tây cho rằng, họ có thể tạo ra một mặt trận thống nhất nhằm đối phó với một đối thủ tiềm năng, nhưng bên được hưởng lợi lớn nhất có lẽ là Trung Quốc.

Hồng Anh (VOV.VN)

Tin mới