Ngay sau Tết Nguyên đán, thị trường bất động sản liên tục đón nhận nhiều cơn sốt bất động sản tại các điểm nóng như: Đan Phượng, Hoà Lạc (Hà Nội), Thủy Nguyên (Hải Phòng), Gia Viễn (Ninh Bình), Từ Sơn (Bắc Ninh), Hớn Quảng (Bình Phước)... Các lô đất được giới thiệu chào bán với mức giá tăng chóng mặt người xem tương tác sôi nổi.
Thị trường bất động sản dù trải qua 1 năm đầy sóng gió do dịch bệnh COVID-19, nhưng có thể thấy giá bất động sản không hề giảm, thậm chí tăng.
Liệu có xảy ra "bong bóng bất động sản"?.
Dữ liệu của Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) cho thấy, nhiều dự án ở phía Tây Hà Nội có sự đột biến về giá, từ khoảng 30 triệu đồng mỗi m2 hồi đầu năm lên 50-55 triệu đồng mỗi m2 vào cuối quý III/2020. Ở một số thị trường phía bắc như Bắc Ninh và Bắc Giang, giá đất nền hiện tăng mạnh so với 6 tháng đầu năm.
Còn ở miền Đông Nam Bộ - những địa phương giáp ranh với TP. HCM, việc đầu tư sân bay Long Thành (Đồng Nai) cùng hàng loạt cầu đường kết nối không gian phát triển các tỉnh miền Đông đã tạo nên làn sóng thực sự sôi động. Giá đất tại khu vực Long Thành hồi năm 2019 dao động 12-14 triệu đồng mỗi m2, sang năm 2020 đã bị đẩy lên vùng giá bình quân 22 triệu đồng mỗi m2.
TP. HCM là điểm nóng tăng giá nhà chung cư trong năm 2020. Tại TP Thủ Đức xuất hiện vùng giá căn hộ 60-90 triệu đồng mỗi m2, mức giá chưa từng có từ trước tới nay ở địa bàn này. Tại các huyện Bình Chánh, quận 12, căn hộ tiệm cận ngưỡng 40 triệu đồng mỗi m2, cũng là cột giá cao nhất vùng ven. Thậm chí nhà giá rẻ xếp hạng C, có giá trên dưới 25 triệu đồng mỗi m2 cũng đã bị đội lên vùng giá 30-35 triệu đồng mỗi m2.
Giá bất động sản tăng cao cùng như cơn “sốt nóng” cục bộ đã khiến nhiều người lo ngại “bong bóng bất động sản” sẽ xảy ra.
Lý giải điều này, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho rằng, dù giá tăng nhưng không cần lo lắng về việc sẽ xảy ra “bong bóng bất động sản”.
“Chúng tôi không tin vào giả thuyết về bong bóng bất động sản. Chúng tôi tự tin rằng thị trường bất động sản Việt Nam có thể giữ được nhịp tăng ổn định. Bong bóng bất động sản được tạo ra bởi các hoạt động cho vay và đầu cơ không kiểm soát. Hiện nay, các ngân hàng không cho vay nếu thiếu cơ sở và thiếu lý do hợp lý. Giá cả hàng hóa phụ thuộc vào nhu cầu, và nhu cầu đang tăng. Chúng tôi cho rằng sự tăng trưởng này không ở mức nguy hiểm hay mất kiểm soát, mà hoàn toàn trong vùng an toàn”, ông Matthew Powell khẳng định.
Ở góc độ giá nhà và giá đất, ông Matthew Powell cho rằng, với mức tài sản và thu nhập cá nhân của nhiều người thì không phải ai cũng có thể theo kịp giá nhà gia tăng.
Bởi vậy, rất cần các chính sách hỗ trợ nhà đầu tư tiếp cận các sản phẩm nhà ở bình dân và dành cho người có thu nhập thấp.
“Để có thể điều chỉnh giá nhà thì chúng ta cần có thêm nguồn cung và cách tiếp cận, thay vì cố tình thâu tóm và hạ giá nhà ở, đây là việc rất khó có thể thực hiện”, ông Matthew Powell nhấn mạnh.
Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội cũng chia sẻ, kéo giá nhà xuống trong điều kiện hiện nay đòi hỏi rất nhiều giải pháp từ nhiều bên.
Việc điều hành thị trường bất động sản hoạt động ổn định, bền vững tương tác cùng phát triển với nền kinh tế là nhiệm vụ quan trọng hơn cả. Một khi nền kinh tế tăng trưởng tốt, thu nhập của người dân tăng, thị trường bất động sản đa dạng về sản phẩm mua, thuê… sẽ đảm bảo cơ hội cho mọi đối tượng có nhu cầu.
“Chúng ta không cần quá lo ngại chuyện mức giá. Thị trường đang ở giai đoạn phát triển, nhà đầu tư lớn tham gia thị trường đã có kinh nghiệm. Với mỗi vị trí và điều kiện bàn giao, khách mua có thể tính được giá hợp lý là bao nhiêu. Trong năm 2021, một số các dự án kỳ vọng mức giá quá cao sẽ phải rà soát lại tổng thể, giá bán và điều kiện thực tế của dự án để giảm áp lực cho chính dự án khi tung sản phẩm ra thị trường”, bà Đỗ Thu Hằng nhấn mạnh.