Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Giả danh bác sĩ, giám đốc bệnh viện dã chiến lừa đảo chữa bệnh cho F0 tại nhà

(VTC News) -

Lợi dụng thời điểm bệnh nhân F0 tự điều trị tại nhà, nhiều kẻ đã mạo danh bác sĩ để lôi kéo người bệnh điều trị theo phác đồ riêng nhằm thu lợi bất chính.

Hiện Hà Nội có khoảng 25.000 ca dương tính với SARS-Cov-2 đang điều trị tại nhà và dự báo con số này sẽ tiếp tục tăng lên trong những ngày tới.

Từ lúc dịch bùng phát mạnh đã có rất nhiều hội nhóm trên mạng xã hội được lập ra nhằm hỗ trợ, chia sẻ thông tin về chữa trị COVID-19 tại nhà để người bệnh tham khảo. Dù mới lập được chưa đầy một tháng nhưng group “Nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà” có tới hàng chục nghìn thành viên được các bác sĩ quân y tư vấn điều trị bệnh miễn phí.

Tại đây, sau khi bệnh nhân đăng tải những câu hỏi liên quan đến COVID-19, các bác sĩ sẽ trả lời bằng cách bình luận phía dưới. Số điện thoại của các bác sĩ và các bài viết tổng hợp thắc mắc được nhiều người quan tâm cũng được ghim lên đầu trang để tiện lợi cho người bệnh.

Nhóm được lập ra hoàn toàn miễn phí, không bán bất cứ một loại thuốc hay vật tư y tế nào. Chính vì thế, nhóm nhận được rất nhiều sự ủng hộ và quan tâm từ những người bệnh đang điều trị tại nhà.

Tuy nhiên đây cũng là nơi bị các đối tượng xấu lợi dụng để tung ra các chiêu trò lừa đảo bệnh nhân F0 đang cách ly tại nhà. Mới đây, một số người bệnh trong group “Nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà” phản ánh tình trạng một số đối tượng xấu mạo danh là bác sĩ và nhắn tin chèo kéo chữa bệnh.

Cụ thể, sau khi người nhà bệnh nhân đăng bài trong group để xin tư vấn của các bác sĩ thì những kẻ này liền bình luận vào bài viết và xưng là bác sĩ, giám đốc chuyên môn ở những bệnh viện lớn, sau đó tự động nhắn tin riêng cho người bệnh.

Anh M. (người bị nhắn tin dụ dỗ chữa bệnh) chia sẻ: "Chỉ sau vài phút đăng tải bài viết hỏi về cách chữa trị COVID-19 cho mẹ của mình, ngay lập tức tôi nhận được tin nhắn của đối tượng có nick facebook là Thủy Tiên. Dù là 12h đêm nhưng đối tượng này vẫn rất nhiệt tình đòi gọi điện, bảo tôi bật loa ngoài để nói chuyện với bà. Đối tượng mạo danh này còn nói rằng sẽ họp bàn với ban lãnh đạo bệnh viện để đưa ra phương án chữa trị, thậm chí còn muốn đến tận nhà chữa bệnh ngay để đưa ra những phác đồ điều trị lâu dài".

Theo chia sẻ của anh M., mánh khóe của các đối tượng dùng là nhân lúc người nhà và bệnh nhân đang rối sẽ liên tục đưa ra những hậu quả lâu dài mà người bệnh phải chịu nhằm gây hoang mang, lo sợ. Những bác sĩ dởm này không quên tạo uy tín cho bản thân là “đã điều trị khỏi cho nhiều người” bằng phác đồ riêng và nhắc nhở gia đình người bệnh “muốn khỏi thì phải kiên trì.”

Sau khi bài viết của anh M. được chia sẻ, rất nhiều người khác cho biết họ cũng bị đối tượng này nhắn tin chèo kéo sau khi đăng bài nhờ tư vấn y tế. Những kẻ lừa đảo này đều dùng nick facebook giả và giới thiệu là bác sĩ chuyên môn, giám đốc bệnh viện. Tuy nhiên, khi bị người bệnh nghi ngờ và nói là có người quen ở viện này thì kẻ giả mạo liền vội xóa comment trong bài viết và biệt vô âm tín.

Kẻ xấu mạo danh bác sĩ để lừa đảo người bệnh. 

Chị T., một người bệnh sau khi đăng bài xin tư vấn của các bác sĩ trong group cũng bị kẻ mạo danh nhắn tin hỏi han để chữa bệnh. Vẫn sử dụng cách lừa đảo cũ, lần này nick facebook "Tien" mạo danh là giám đốc chuyên môn Bệnh viện ở Trung ương kiêm giám đốc trung tâm điều trị COVID-19 và nhiệt tình hướng dẫn bệnh nhân cách chữa trị.

Để tạo sự tin tưởng, người này cũng hỏi rõ bệnh tình và nói những cách chữa thông thường mà các F0 hay dùng, đó là uống Vitamin C, rửa mũi, xịt họng. Ban đầu chị T. cũng tin tưởng đây là bác sĩ thật, tuy nhiên chỉ đến khi đối tượng này chào mời mua các loại máy đo SpO2, máy đo nhịp tim và một số loại thuốc kháng virus trước rồi mới đến nhà khám thì chị T. mới nghi ngờ và không nhắn tin với tài khoản lừa đảo này nữa.

Ngay sau khi nhận được thông tin tố giác từ người bệnh, các bác sĩ quản trị viên của group “Nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà” đã xóa nick facebook mạo danh này ra khỏi nhóm và có bài viết cảnh báo tới người bệnh.

Đồng thời, các bác sĩ cũng thay đổi cách duyệt các bài đăng trên nhóm, chỉ duyệt các bài viết liên quan đến tiêm vaccine, cách hỗ trợ sau khi điều trị để tránh tình trạng các đối tượng xấu vào bán thuốc chữa bệnh hay các công thức gia truyền… Người bệnh nếu có những thắc mắc liên quan đến điều trị COVID-19 đều có thể gọi điện trực tiếp vào số điện thoại của các bác sĩ được ghim ở bài viết đầu trang. 

Sau sự việc trên, BS Hoàng Thanh Tuấn, Phó chủ nhiệm khoa Phẫu thuật tạo hình, tái tạo, Bệnh viện Bỏng quốc gia (người sáng lập ra group “Nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà”) lưu ý người bệnh: “Đối với các bệnh nhân khi tham gia các group, cần xem các bài viết giới thiệu về bác sĩ trong group đó để có thể liên lạc. Những người tự bắt chuyện làm quen thường là đối tượng không minh bạch rõ ràng, bởi các bác sĩ rất bận nên không có thời gian để tìm đến các bệnh nhân như vậy”.

"Điều quan trọng nhất khi điều trị tại nhà chính là là an tâm và đầy đủ thông tin. Vì khi mới nhiễm bệnh sẽ rất hoang mang, nếu có các bác sĩ hỗ trợ đầy đủ thông tin thì người bệnh sẽ an tâm mà điều trị khỏi. Vậy nên hiểu biết, có đầy đủ thông tin và có những người cung cấp thông tin sẽ là liều thuốc tốt nhất dành cho người bệnh", bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn chia sẻ và khuyên người bệnh cần cập nhập các thông tin từ các trang web chính thống từ các cơ quan nhà nước như Sở Y tế, Bộ Y tế và các bệnh viện uy tín hay những bác sĩ có thông tin rõ ràng.

Hoài Thơm

Tin mới