Hơn 10 năm công tác trong lĩnh vực hiếm muộn, BS Phạm Văn Hưởng – Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội được nhiều bệnh nhân gọi là “thần y”. Bởi nhờ có anh, biết bao cặp vợ chồng hạnh phúc đón nhận đứa con đầu đời sau nhiều năm chạy chữa.
Năm 2010, chàng sinh viên Phạm Văn Hưởng tốt nghiệp bác sĩ đa khoa tại Đại học Y Hà Nội. Anh bén duyên với nghề mà nhiều người vẫn ví von là “người ươm mầm hạnh phúc” cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, ngành hỗ trợ sinh sản.
Lĩnh vực hiếm muộn trong y khoa tương đối nhạy cảm và khó đoán biết. Do đó, với mỗi bác sĩ công tác trong ở lĩnh vực này khi tiếp nhận một bệnh nhân đều phải xác định ngay từ đầu rằng đây là ca bệnh khó.
BS Phạm Văn Hưởng – Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội.
Yếu tố may mắn rất quan trọng
BS Hưởng cùng đồng nghiệp gặp rất nhiều trường hợp dù thông qua can thiệp, điều trị nhưng bệnh nhân mãi chưa có tin vui. Có những người từng hỗ trợ sinh sản ở nơi này không được, nhưng vừa sang nơi khác lại có tin vui dù phác đồ điệu trị không khác nhau. Đó là điều đặc biệt, rất khó giải thích ở lĩnh vực hiếm muộn.
Các bác sĩ thường nói vui với nhau do duyên số và may mắn của bệnh nhân. Nghĩa là đứa trẻ được chọn lựa đến với cuộc đời rất bất ngờ và đúng thời điểm.
Trong những lần như vậy, trường hợp của vợ chồng ở Bắc Giang năm 2019 khiến bác sĩ Hưởng ấn tượng và nhớ mãi đến hôm nay.
Đó là một ngày tháng 6/2019, anh tiếp nhận cặp vợ chồng 36 tuổi, 10 năm hiếm muộn. Người vợ từng một lần có thai sau đó bị lưu. Cả hai vợ chồng đi khám và được kết luận sức khoẻ bình thường. Duy chỉ có vấn đề là buồng trứng dự trữ của chị đang giảm dần do tuổi tác.
Trong y học, không phải người phụ nữ bị suy giảm buồng trứng là mất cơ hội được làm mẹ. Vì mỗi chu kỳ mang thai của người phụ nữ không cần nhiều trứng. Nghĩ vậy, hai vợ chồng quyết định đi nhờ sự can thiệp của y học. Dù thử nhiều biện pháp hỗ trợ khác nhau với 5 lần IUI (phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung) ở một số cơ sở, anh chị vẫn không thể đón nhận niềm vui. Hai vợ chồng tìm đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội để gặp bác sĩ Hưởng.
“Tôi còn nhớ như in lúc đó, hai vợ chồng bên ngoài còn khá trẻ so với tuổi thật. Khuôn mặt với ánh mắt chất chứa niềm hy vọng. Mỗi lần đặt câu hỏi là một lần người vợ lại ngước lên, mặt hơi hướng về phía trước như đang chờ đợi câu trả lời từ tôi. Sau khi được nghe tư vấn về kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), hai vợ chồng quyết định thực hiện”, BS Hưởng kể lại.
Một ca điều trị cho bệnh nhân.
Lúc tiếp nhận, thông qua hồ sơ cũ, BS Hưởng có quyết định khá táo bạo - “gom trứng cho bệnh nhân”. Lần gom đầu tiên thất bại. Hai vợ chồng xin phép về nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng, chờ đợi cơ hội. Thời gian này, họ đến một bệnh viện khác thụ tinh nhưng cũng không thành. Giữa lúc tuyệt vọng nhất, họ quay trở lại gặp BS Hưởng nhờ tư vấn.
Lúc này, vì quá nhiều lần kích trứng, gây mê nên sức khoẻ của chị không còn như trước, nội mạc tử cung lại hơi mỏng. Họ chấp nhận phương án “xin trứng”.
Sau lần chuyển phôi thứ hai được 6 ngày, cặp vợ chồng đón nhận tin vui khi thử thai, que thử báo 2 vạch, xét nghiệm beta cao vút. Họ cũng như bao cặp vợ chồng khác khi đến viện, đều khao khát có con. Hơn 10 năm hiếm muộn giờ nhận được tin vui mọi thứ như vỡ oà, cả hai vợ chồng ôm nhau khóc nức nở. Chứng kiến giây phút đó, bác sĩ Hưởng và đồng nghiệp rất xúc động.
Họ sinh được bé gái rất kháu khỉnh. “Vui lắm, chứng kiến những khó khăn, vất vả, có những lúc tưởng chừng như mất hy vọng từ họ, mới hiểu hết niềm hạnh phúc dường nào”, bác sĩ chia sẻ.
Nguy cơ sinh con ở phụ nữ lớn tuổi
Trong sinh sản, lứa tuổi của người phụ nữ có vai trò rất quan trọng để đảm bảo sinh ra em bé khoẻ mạnh. Theo khuyến cáo, phụ nữ nên sinh con trước năm 35 tuổi. Sau độ tuổi này mọi thứ sẽ suy giảm, đặc biệt là chức năng sinh sản. Phụ nữ ngoài 45 tuổi gần như trứng không còn đảm bảo. Số lượng, chất lượng trứng suy giảm và nguy cơ sinh ra con dị tật, bất thường là rất cao.
Với phụ nữ Việt Nam, ngoài 40, 45 hoặc 50 tuổi sẽ bước vào thời kỳ suy giảm buồng trứng, thậm chí buồng trứng ngừng hoạt động. Nghĩa là bước vào giai đoạn tiền mãn kinh hay mãn kinh. Thông thường, ở độ tuổi này, bác sĩ đều khuyến cáo người phụ nữ không nên sinh thêm.
Mang thai thực chất là một quá trình tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Trường hợp phụ nữ lớn tuổi rủi ro lại càng cao, cả về sức khoẻ của mẹ và bé. Nhiều cặp vợ chồng do quá mong mỏi có con nên mới quyết tâm sinh con ở tầm tuổi như vậy.
“Cái khó nhất là cơ thể người phụ nữ lúc đó thế nào. Cần khám sức khỏe tổng quát xem bệnh nhân đó có đủ sức khỏe để mang thai không, có xuất hiện các bệnh lý toàn thân hay không. Nếu có thì cần tập trung điều trị. Khả năng cao là phải đi xin trứng", BS Hưởng chia sẻ.
Càng cao tuổi, đặc biệt khi người phụ nữ mãn kinh thì tử cung phụ thuộc vào hoạt động nội tiết buồng trứng, sẽ teo nhỏ đi, xơ hóa đi, đậu thai khó hơn, dễ sảy thai hay sẽ dễ xuất hiện các bất thường. Nếu bệnh nhân không đảm bảo về sức khoẻ thì bác sĩ chỉ định dừng điều trị. Kể cả người bệnh có muốn bác sĩ cũng không thể làm vì quá nguy hiểm.
Bác sĩ Hưởng khám, tư vấn cho bệnh nhân.
Một bệnh nhân 40 tuổi ở Hà Nội, đã có một bé, hồi trẻ nội tiết và buồng trứng của chị rất bất thường. Vì kinh không đều nên chị phải dùng thuốc kích thích buồng trứng. Nhưng mọi việc không như mong muốn. Chị đã thực hiện thụ tinh ống nghiệm trước đó ở nhiều cơ sở.
Các bác sĩ xem hồ sơ và qua quá trình thăm khám đã đưa ra nhận định: Dự trữ trứng nhiều nhưng nội tiết không tương xứng và khá bất thường. Thông thường chị phải dùng thuốc liều cao thì trứng mới lớn, nhưng lại là lặp lại phác đồ mà các cơ sở trước đó chị từng thực hiện.
BS Hưởng quyết định thay đổi liều lượng thuốc cho trường hợp của bệnh nhân này và sử dụng kích thích nhẹ buồng trứng - MildIVF.
Quá trình thực sự rất gian nan và phụ thuộc nhiều vào quyết định của gia đình bệnh nhân. Thêm nữa chị bị nội tiết bất thường, nội mạc dày. Lần đầu chuyển phôi tại viện chị bị thai sinh hoá (chuyển phôi ngày 5, không sàng lọc).
Để chuẩn bị cho chuyển phôi lần 2, BS Hưởng chỉ định phẫu thuật nạo buồng tử cung và giải phẫu bệnh cho chị xem có phải ung thư hay bệnh lý gì không. May mắn chỉ là quá sản nội mạc tử cung lành tính. Chu kỳ sau chị được chuyển phôi ngày 3 một cách bình thường và kết quả họ đã có con.
BS Hưởng kể lại câu chuyện và bày tỏ khâm phục ý chí của chị.
Giúp bệnh nhân vượt qua rào cản
Hơn 10 năm làm nghề, BS Hưởng không nhớ biết bao nhiêu lần “gỡ rối” cho các cặp vợ chồng hiếm muộn. Bệnh nhân đến gặp anh đều có một điểm chung đó là gặp vấn đề về sinh con, nhưng không phải ai cũng có những suy nghĩ tiến bộ, sẵn sàng chấp nhận tình huống khó khăn. Điển hình như việc xin trứng hay tinh trùng.
Anh kể, có những cặp vợ chồng do một hay nhiều lý do nào đó mà không thể sử dụng trứng của người vợ. Lúc này, cách giải quyết tốt nhất là đi xin trứng để thụ tinh nhân tạo, việc này được pháp luật cho phép. Tuy nhiên khi nghe thấy “dùng trứng của người đàn bà khác”, nhiều ông chồng không chấp nhận.
Người vợ cũng vậy. Khi gặp rắc rối trong chuyện sinh sản, như tinh trùng của người chồng không thể sử dụng, một số người vợ tỏ “thái độ ra mặt”. Tuy nhiên tình huống này thường ít gặp hơn. Đa phần phụ nữ thường có tâm lý sẵn sàng chấp nhận hy sinh hơn.
Trước tình huống như vậy, bên cạnh việc theo dõi, điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ Hưởng kiêm luôn nhiệm vụ của bác sĩ tâm lý động viên, an ủi bệnh nhân. Anh tận tình người sát cánh cùng bệnh nhân, giúp họ vượt qua những rào cản, có được hạnh phúc vẹn tròn khi đón con thành công sau nhiều năm mong mỏi và cũng là để viết tiếp câu chuyện về vị “thần y ươm mầm hạnh phúc” cho mọi gia đình.