Tôi năm nay 72 tuổi, góa chồng đã 12 năm. Ba con gái của tôi đều đã có gia đình riêng, trong đó con gái út định cư ở Đức. Do không muốn làm phiền đến con cháu nên tôi vẫn ở một mình suốt 10 năm kể từ khi chồng mất. Nhưng rồi một tai nạn giao thông khiến chân tôi bị thương, từ đó không còn được linh hoạt mà đi lại tập tễnh khó khăn. Theo lời khuyên của các con, tôi vào viện dưỡng lão để có người chăm sóc, giúp con cái yên tâm.
Sau 2 năm sống ở viện dưỡng lão, tôi đã dần quen với lịch sinh hoạt điều độ ở đây. Tôi được các nhân viên hướng dẫn tập thể dục mỗi sáng, rồi tập trị liệu để chân không bị teo cơ, đúng giờ là đi ăn cơm... Ở đây hóa ra không hề buồn. Tôi làm quen được rất nhiều bạn bè cùng lứa tuổi, mỗi người một câu chuyện đời, ngồi "buôn bán" với nhau cả ngày cũng không hết chuyện.
Trong viện dưỡng lão của tôi còn có những cặp đôi rất hạnh phúc. Có những đôi đã đồng hành gần 60 năm, cùng dắt tay nhau vào chung sống ở đây. Tôi luôn ngưỡng mộ họ bởi câu chuyện tình yêu đẹp qua bao năm tháng. Để có thể nắm tay nhau từng ấy đoạn đường từ trẻ đến già chắc hẳn họ phải yêu thương rất nhiều.
Còn câu chuyện của bà lão cô đơn ngoài 70 tuổi như tôi chẳng có gì đáng nói cho đến khi tôi gặp lại người yêu đầu vào 2 tháng trước. Buổi sáng hôm đó, sau khi tập thể dục và ăn sáng, tôi ra hành lang trò chuyện cùng mọi người thì thấy thấp thoáng một dáng vẻ dường như quen thuộc. Khi ông ấy tới gần hơn, tôi càng ngờ ngợ cảm thấy mình đã gặp ở đâu đó rồi. Khi ông lão tự giới thiệu mình tên là Chí Kiên, tôi nhăn trán suy nghĩ và sau vài phút thì nhớ ra, đó chính là người yêu thời đại học.
Chúng tôi yêu nhau từ khi tôi đang là sinh viên đại học năm thứ hai, sau 4 năm thì anh ấy đi Nga học và từ đó chúng tôi mất liên lạc. Trong 4 năm bên nhau, hai đứa yêu sâu đậm và hứa hẹn đủ thứ. Vì thế khi Kiên đi, tôi thấy trái tim như mất đi một nửa vì không biết khi nào anh mới có thể quay về để gặp nhau.
Suốt những năm sau đó, tôi đã tìm đủ mọi cách để liên lạc với bạn trai qua những người bạn nhưng đều không thành. Trước đó, do ngại ngùng nên tôi chưa từng đến nhà bạn trai nên không biết chỗ để tìm đến hỏi tin anh. Sau thời gian dài khắc khoải vì thương nhớ, cuối cùng tôi cũng chấp nhận rằng mối tình đầu không thể đi đến cuối, chấp nhận tìm kiếm bạn đời và kết hôn năm 30 tuổi.
Thời đó, lấy chồng ở tuổi 30 là quá muộn. Cuộc hôn nhân của tôi cũng khá êm đềm. Tôi được chồng yêu thương chiều chuộng, con cái đều giỏi giang , chỉ có điều chồng tôi bị bệnh nan y nên mất sớm.
(Ảnh minh họa: Agilenesshome)
Gặp lại nhau ở viện dưỡng lão, dường như ông Kiên cũng nhận ra tôi ngay sau khi nghe giới thiệu tên tuổi. Chúng tôi đã ngồi nói chuyện cùng nhau cả buổi, ôn lại chuyện cũ. Ông ấy hiện giờ cũng chỉ còn một mình, vợ đã bỏ đi lấy người khác từ hồi trẻ. Ông chấp nhận cảnh gà trống nuôi hai con khôn lớn. Ông Kiên không bị bệnh về xương khớp như tôi mà mắc bệnh tiểu đường nên phải kiêng khem rất cẩn thận.
Suốt hai tháng qua, chúng tôi bầu bạn thân thiết cùng nhau mọi lúc, mọi nơi, ôn lại chuyện cũ mãi không chán. Tôi và ông Kiên đều kể cho các con nghe về chuyện chúng tôi gặp lại nhau. Các con rất vui vẻ, thậm chí còn hỏi tôi rằng: "Sao mẹ không nối lại tình xưa cho cho đỡ cô đơn?".
Dù không nói hẳn ra nhưng tôi đoán được ông Kiên cũng muốn chúng tôi quay lại. Nhưng nghĩ đến khoảng thời gian gần 50 năm trước, ông ấy đã bỏ rơi tôi, khiến tôi phải đau khổm mong ngóng trong vô vọng suốt bao năm trời, tôi vẫn còn thấy hậm hực. Hiện giờ tôi không biết có nên "làm kiêu giữ giá" hay nối lại tình xưa để có những năm tháng vui vẻ cuối đời?
Độc giả có ý kiến chia sẻ, tư vấn, xin gửi vào box bình luận bên dưới.
Nếu bạn có những khúc mắc trong cuộc sống, xin đừng ngần ngại gửi cho chúng tôi để nhận được sự sẻ chia chân thành và lời khuyên nghiêm túc của độc giả. Ý kiến xin gửi đến toasoan@vtcnews.vn.