Từng “gặm” mỳ tôm để nuôi công ty
Từng là sinh viên chuyên ngành Toán Ứng dụng và Tin học của Đại học Bách Khoa Hà Nội, game đến với Phạm Anh Tuấn như cái duyên tình cờ. Anh kể, tiếp cận với Internet ngay từ những năm đầu tiên dịch vụ này về Việt Nam, thú vui giải trí của trẻ con ngày đó gắn liền với trò chơi điện tử cầm tay, sau đó là công nghệ máy tính để bàn.
Những năm 2009, khi bắt đầu bước vào giảng đường đại học, chàng sinh viên 9X đã đau đáu câu hỏi vì sao Việt Nam không thể tạo ra sản phẩm game của chính mình để đưa trí tuệ Việt ra thế giới. Sự thôi thúc đó nuôi dưỡng quyết tâm làm game từ rất sớm, ngay từ khi Tuấn bắt đầu bước vào những năm giữa của hành trình đại học.
Founder Bravezone Phạm Anh Tuấn.
Thế nhưng, cuộc đời không phải lúc nào cũng “trải đầy hoa hồng”. Khởi nghiệp vốn không dễ, lựa chọn phát triển các sản phẩm về game lại càng khó hơn.
“Dù khởi đầu khá suôn sẻ khi sản phẩm đầu tiên được ghi nhận bởi cộng đồng người dùng nhưng khó khăn luôn thường trực. Đã có những lúc chúng tôi chỉ nhận mức lương tượng trưng để dành tất cả cho quá trình hoạt động, RnD sản phẩm. Thậm chí giai đoạn 2014 – 2015, chúng tôi còn bị mất trắng gần như toàn bộ doanh thu vì sự thiếu kinh nghiệm về thị trường cũng như chính sách phát hành tại một số quốc gia”, anh cho biết.
Dù vậy, Tuấn luôn tâm niệm, thất bại như một lời tâm tình dễ chịu mà anh bạn “khó khăn” đã đưa ra để nhận ra rằng quá trình làm game là một chuỗi hành động kết hợp giữa việc xây dựng, định vị sản phẩm bên cạnh các phương pháp kinh doanh phù hợp với thị trường. Cũng phải nhìn nhận lại rằng, từ thất bại, nhóm học được cách vượt qua khó khăn, tìm được con đường dài hạn để phát triển công ty một cách bền vững.
Bravestars, sau đó là Bravezone lần lượt ra đời để nối dài đam mê phát triển sản phẩm game Việt của Phạm Anh Tuấn. “Mong muốn của chúng tôi là định vị ngành game Việt trên bản đồ quốc tế. Đây không chỉ là lòng tự hào dân tộc, mà còn là công cụ hữu ích từng bước quảng bá thương hiệu quốc gia, trí tuệ con người Việt Nam đến thế giới”, anh cho biết.
Theo chia sẻ của anh, thời gian qua, Google coi Việt Nam là một trong những trung tâm phát triển gia công game trọng điểm của thế giới và mong muốn giúp sức để cùng phát triển. Từ đây, nhóm luôn hướng đến mục tiêu rằng những sản phẩm game của BraveZone sẽ có giá trị cả về mặt văn hóa, phát triển con người và cả giải trí.
Tiên phong phát triển game AQ
Tại Việt Nam, nhắc đến game online, nhiều người hẳn sẽ nghĩ ngay đến “vấn nạn” game kiếm hiệp, bạo lực gây tác hại không ít cho các game thủ đang "tuổi ăn tuổi lớn". Tuy nhiên, bên cạnh “khoảng tối” đó, game online đang có những điểm sáng ít ai để ý, đó là thị trường game giáo dục trực tuyến.
Nắm bắt xu hướng đó, Bravezone quyết định dấn thân phát triển mảng này. Founder Phạm Anh Tuấn chia sẻ: “Xu hướng game hóa giáo dục đã được nhiều nghiên cứu chứng minh đạt hiệu quả nhanh chóng với một số bộ phận, nhất là trẻ em.
Trước cả công thức toán học và chữ viết ở trường lớp, dễ thấy trò chơi là một trong những “giáo trình” đầu tiên của trẻ. Vì thế, tôi cho rằng trong tương lai, trò chơi điện tử mang tính giáo dục cao sẽ xuất hiện nhiều hơn và là lựa chọn mới cho những ông bố, bà mẹ trên hành trình đào tạo con trẻ”.
Plant Empires đạt cột mốc 1 triệu người chơi sau ít tuần ra mắt.
Theo anh Tuấn, thông qua Plant Empires, Bravezone thiết kế thêm vào game yếu tố rèn luyện và phát triển chỉ số AQ. Đây vốn là chỉ số ít được chú ý tới nhưng theo anh, đây mới là chỉ số đo lường khả năng thành công của một người. AQ là chỉ số vượt khó (Adversity Quotient) - thước đo đo lường cách bạn phản ứng và đối phó với thách thức, nghịch cảnh mà nhiều lần khiến chúng ta hoàn toàn mất cảnh giác và không chuẩn bị.
“Trong quá trình trải nghiệm game này, chúng ta sẽ gặp những điểm khó khăn, thời điểm bị bẻ gãy nhưng đồng thời, trò chơi cũng cung cấp những giải pháp mà chỉ cần người chơi kiên trì, chịu khó tìm hiểu và quản lý tài chính trong trò chơi hợp lý hơn sẽ có thể vượt qua được những điểm khó khăn đó”, anh Phạm Anh Tuấn cho hay.
Có thể nói, thị trường game trực tuyến đang có những chuyển biến tích cực, mở ra xu hướng phát triển các dòng game giáo dục. Không đơn thuần chỉ là những trò chơi nhanh tay nhanh mắt hay chỉ cần “cày cuốc” là có thể lên cấp, dòng game online về giáo dục còn đòi hỏi kiến thức, sự kiên trì thật sự của người chơi. Vì vậy, người chiến thắng là những người thật sự xứng đáng và nhận được sự tôn trọng của tất cả cộng đồng game.
Trong thế giới phẳng ngày nay, khi công nghệ đang ngày càng lên ngôi, người dùng đủ thông minh để đánh giá về một sản phẩm tốt. Trên thị trường game cũng vậy, một sản phẩm mang lại giá trị lành mạnh và tích cực cho cộng đồng tất yếu sẽ được đón nhận.