Thông tin này được Nicole Goodman, Giám đốc Cơ quan Dịch vụ Biên giới Canada (CBSA) cung cấp trước tòa. Theo Goodman, một đại diện pháp lý của FBI ở Ottawa đã liên tục hỏi về lịch sử di chuyển của bà Mạnh ở Canada cùng thông tin cá nhân khác của Giám đốc Huawei sau khi bà bị cảnh sát Canada tạm giữ.
Goodman nói bà không có quyền chia sẻ thông tin được yêu cầu và lo ngại có ai đó trong CBSA không quen thuộc với vụ việc có thể chia sẻ thông tin mà không được phép.
"Tôi sẽ không bao giờ tiết lộ thông tin cho FBI ở cấp độ của mình", bà cho hay.
Giám đốc Huawei Mạnh Vãn Chu. (Ảnh: Reuters)
Các luật sư của Mạnh cáo buộc chính quyền Mỹ và Canada đã phối hợp bất hợp pháp trong quá trình điều tra và bắt giữ Mạnh. Họ cho rằng hải quan Canada cố tình cung cấp thông tin về các thiết bị điện tử của bà Mạnh, bao gồm cả mật mã cho cảnh sát Canada. Nhóm pháp lý của bà Mạnh khẳng định cảnh sát Canada tiếp tục chia sẻ thông tin trên với FBI.
Các công tố viên đang cố gắng xác minh các cáo buộc này.
Theo Goodman, bà phát hiện CBSA có thể đã vô tình chia sẻ mật mã với cảnh sát Canada trong cuộc họp sau khi Mạnh bị bắt. CBSA trước đó cho biết mật mã các thiết bị điện tử của bà Mạnh được chia sẻ với cảnh sát liên bang Canada do nhầm lẫn.
Goodman nói bà tin việc chia sẻ mật mã hoàn toàn là tình cờ.
Mạnh Vãn Châu bị lực lượng chức năng Canada bắt giữ khi đang quá cảnh tại Vancouver, Canada ngày 1/12/2018, trên đường từ Hong Kong đến Mexico. Lệnh bắt giữ được thực hiện theo yêu cầu của Mỹ với cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran. Với mức bảo lãnh 10 triệu USD, Mạnh chịu sự giám sát tại nhà ở Vancouver với các thiết bị định vị đeo trên người, trong thời gian chờ tham dự các phiên tòa.
Tháng 1/2019, Mỹ yêu cầu dẫn độ bà Mạnh. Từ đó đến nay, luật sư của bà liên tục đệ đơn lên tòa án Canada cáo buộc các sai phạm trong quá trình bắt giữ và điều tra để vô hiệu hóa yêu cầu dẫn độ.
Bộ Tư pháp Canada cho biết, các cuộc tranh tụng dự kiến diễn ra từ ngày 16/2 đến ngày 5/3/2021. Quá trình điều trần dự kiến kết thúc vào tháng 4/2021.