Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

F0 Hà Nội tăng nhanh, các bệnh viện khẳng định chưa quá tải

(VTC News) -

Dù F0 tại Hà Nội tăng nhanh chóng trong thời gian gần đây nhưng lãnh đạo một số bệnh viện khẳng định vẫn đáp ứng nhu cầu điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

Những ngày qua, dịch bệnh COVID-19 ở Hà Nội phức tạp, số ca mắc tăng cao. Riêng ngày 4/3, số mắc mới tiếp tục lập đỉnh với 21.396 ca. Các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân gồm Nam Từ Liêm (1.117), Mê Linh (1.046), Thanh Trì (1.023), Thanh Xuân (944), Quốc Oai (870).

Thực tế trên khiến nhiều người lo lắng Hà Nội sẽ "vỡ trận" trong điều trị. Tuy nhiên, lãnh đạo một số bệnh viện khẳng định họ vẫn đáp ứng được. 

Chưa quá tải

TS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, trung bình một ngày, đơn vị tiếp nhận khoảng 30 bệnh nhân COVID-19. Trong số bệnh nhân đang điều trị tại đây có hơn 100 ca thở oxy. So với thời điểm trước Tết Nguyên đán, số ca thở máy và tử vong giảm.

Người dân đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 nên số bệnh nhân nặng không nhiều. Tâm lý họ ổn định hơn, không quá hoang mang, lo sợ như giai đoạn đầu. Đây cũng là nhận định của BSCKII Nguyễn Thị Lan Hương, Phó giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn. “Chúng tôi được Sở Y tế giao 350 giường điều trị bệnh nhân COVID-19 nhưng hiện số ca đang điều trị chỉ khoảng 300, chủ yếu là người cao tuổi, có bệnh lý nền, tình trạng bệnh nặng”, bà Hương nói.

Điều trị bệnh nhân COVID-19. (Ảnh minh họa)

Theo BSCKII. Lê Hoàng Tú, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, trước đây đơn vị được Sở Y tế Hà Nội giao 200 giường điều trị bệnh nhân COVID-19, gồm 100 giường cho tầng 2 và 100 giường tầng 3. Khi số bệnh nhân mắc COVID-19 tăng lên, bệnh viện được giao 400 giường, gồm 200 giường tầng 2 và 200 giường tầng 3.

Bệnh viện Đa khoa Hà Đông được phân công phụ trách các quận, huyện: Hà Đông, Thanh Xuân, Thanh Oai, Chương Mỹ, Vân Đình, Sơn Tây, Ba Vì, Mỹ Đức…

"Chúng tôi chỉ đạo các bệnh viện tuyến quận, huyện, chỉ đạo trung tâm y tế làm tốt công tác theo dõi và điều trị ở tầng 1. Khi thấy bệnh nhân dấu hiệu chuyển biến nặng thì tạo điều kiện để họ tiếp cận với y tế dễ dàng và sớm nhất. Do đó, bệnh nhân chuyển tầng từ tầng 1 lên tầng 2 hoặc từ tầng 2 lên tầng 3 rất ít. Bệnh nhân COVID-19 đến điều trị tại bệnh viện thời gian này tuy có tăng nhưng đều nằm trong kịch bản. Năng lực điều trị của bệnh viện vẫn trong tầm kiểm soát, chưa quá tải", ông Lê Hoàng Tú nói.

Cần giảm tải cho y tế cơ sở

Tại cuộc họp trực tuyến với các quận huyện, xã phường để chỉ đạo các giải pháp kịp thời trước tình hình dịch bệnh gia tăng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cũng đánh giá diễn biến dịch bệnh tại Hà Nội rất phức tạp. Điều này mang đến áp lực ngày càng tăng cho y tế các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở. Trong đó, thủ tục xác nhận F0 và khỏi bệnh đang là gánh nặng khi họ vẫn phải tiếp tục tập trung rà soát đối tượng nguy cơ, người già có bệnh nền… 

Nhân viên y tế ghi thông tin tất cả người dân lấy mẫu xét nghiệm tại Đan Phượng, Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

Tình trạng quá tải, thiếu nhân lực hỗ trợ y tế ở cấp xã, phường đang diễn ra vì số mắc COVID-19 tăng cao. Tại quận Hà Đông, nhiều cán bộ y tế của các trạm y tế phường là F0, F1. Quận đã liên hệ các bệnh viện, trường Y, y bác sỹ nghỉ hưu tình nguyện hỗ trợ để đảm bảo đủ nhân lực phục vụ.

Quận Nam Từ Liêm đề xuất thành phố chỉ đạo các cơ sở y tế tư nhân tiếp tục tích cực hỗ trợ công tác chống dịch ở địa phương, Bảo hiểm Xã hội linh hoạt trong việc chi trả bảo hiểm cho các F0 khỏi bệnh…

Trước tình trạng quá tải nêu trên, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho rằng, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quận, huyện cần chủ động làm việc với các bệnh viện trên địa bàn. Dựa vào đó, Sở Y tế sẽ điều tiết lại, đảm bảo bệnh nhân được điều trị kịp thời.

Trong tuần qua, các địa phương như Hoàng Mai, Đông Anh, Nam Từ Liêm, Sóc Sơn… số F0 tăng song vẫn không quá tải, đó là nhờ sự vào cuộc quyết liệt, huy động được mọi lực lượng, bố trí khoa học của chính quyền địa phương.

"Sự đánh giá của người dân rất quan trọng. Người dân có thể tự làm test nhanh khi được nhân viên y tế giám sát trực tiếp hoặc gián tiếp (thực hiện online) để xác nhận tình trạng F0 hay F0 hết thời gian cách ly. Cùng với đó, các xã, phường cần sử dụng tốt phần mềm quản lý F0; ứng dụng CNTT; huy động thêm các lực lượng thanh niên, phụ nữ… hỗ trợ", Giám đốc Sở Y tế lưu ý. 

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh thông tin, Hà Nội đang khẩn trương giải trình tự gene để đánh giá mức độ chủng Omicron (chờ kết quả từ Viện Vệ sinh dịch tễ). Tuy chưa có kết quả giải trình tự gene nhưng thực tế có thể nhận định, Hà Nội đã lưu hành chủng Omicron song hành với chủng Delta.

"Theo các chuyên gia đánh giá, nửa tháng nữa, số ca mắc ở Hà Nội vẫn sẽ tiếp tục tăng cao và khả năng có thể đạt đỉnh tùy vào các biện pháp phòng, chống dịch. Thành phố cũng đánh giá đây là thách thức, áp lực và khó khăn rất lớn đối với hệ thống y tế cơ sở nếu không kịp thời đưa ra các giải pháp công nghệ và ý thức người dân", Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh nói.

Thanh Hải

Tin mới