Báo cáo tại cuộc họp giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM ngày 12/12, Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng cho biết, trong 7 ngày qua, một số địa bàn có số F0 tăng cao, cụ thể huyện Hóc Môn, Bình Chánh, quận Bình Tân, 12, Gò Vấp và TP Thủ Đức.
Trong 3 ngày gần đây, huyện Bình Chánh và Hóc Môn là 2 địa phương có nhiều F0, số ca tử vong dao động khoảng 40 ca/ngày, trong đó 52% trường hợp tử vong trên 65 tuổi, 85% người tử vong có bệnh nền.
Số ca F0 nặng tại TP.HCM gia tăng trở lại. (Ảnh minh họa)
Theo thống kê của Bộ Y tế, số ca nhiễm mới ở TP.HCM trong thời gian gần đây thường xuyên được ghi nhận ở ngưỡng 1.000 - 1.500 ca/ngày. Điển hình có ngày lên tới hơn 1.700 ca. Trong khi đó, số F0 tử vong tại TP.HCM (trừ nhóm chuyển đến từ địa phương khác) cũng dao động trong khoảng 50 - 80 ca/ngày.
Dù lãnh đạo thành phố khẳng định tình hình dịch đang trong tầm kiểm soát, nhưng với số ca nhiễm tăng nhanh vẫn mang đến lo ngại về nguy cơ quá tải hệ thống y tế.
BS CK2 Trần Thanh Linh, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Phó Giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 cho biết, trong khoảng 10 ngày gần đây, số lượng F0 lẫn số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 nặng tại TP.HCM đã gia tăng trở lại.
Trước đây, khi tình dịch bệnh tại TP.HCM tạm lắng xuống, lực lượng y bác sĩ từ các tỉnh phía Bắc chi viện cho thành phố đã rút về. Đầu tháng 11/2021, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 đã thu hẹp phạm vi hoạt động, chỉ còn khoảng 150 giường bệnh. Đội ngũ nhân lực chủ yếu ở đây vẫn là các y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115...
"Điều đáng lo ngại nhất hiện nay chính là bài toán nhân lực, đội ngũ nhân viên y tế của TP.HCM đang cùng lúc thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, như chi viện cho các tỉnh miền Tây Nam Bộ, tăng cường cho các tuyến y tế cơ sở nên việc điều động tăng cường cho hệ thống điều trị đối mặt với nhiều khó khăn", BS Linh nói.
Những ngày gần đây, số ca bệnh trở nặng cần nhập viện điều trị có xu hướng gia tăng. Hiện các bệnh viện ở tầng 3 đang thiếu nhân lực trầm trọng.
"Chúng tôi đang đề xuất tăng cường lực lượng để trong một tuần nữa Bệnh viện Hồi sức COVID-19 có thể nâng lên ít nhất 300 giường bệnh và dự kiến thời gian tới sẽ là 500 giường bệnh. Lúc đó, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 mới có thể đảm bảo tiếp nhận người bệnh vào đúng tầng điều trị của mình, qua đó giảm tỉ lệ tử vong do COVID-19", BS Linh chia sẻ.
Trước thực tế lượng bệnh nhân nặng gia tăng, ngày 5/12, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 đã đưa vào hoạt động trở lại khoa 2B, với đội ngũ nhân lực là các y bác sĩ hiện có ở Bệnh viện Hồi sức COVID-19, cùng 20 bác sĩ, 30 điều dưỡng của Bệnh viện Trưng Vương, Bệnh viện Ung bướu được Sở Y tế TP.HCM điều động chi viện.
Ths.BS Phạm Minh Huy, Trưởng khoa 2B, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 cho biết, trước tình trạng quá tải bệnh nhân COVID-19 ở các quận Bình Thạnh, TP Thủ Đức và quận 4, khoa đã mở lại từ 3 ngày trước. Hiện khoa có 25 bác sĩ và 48 điều dưỡng.
Trước đây bệnh nhân trẻ tuổi có thể tự sinh hoạt, ăn uống, đi lại, giờ bệnh nhân lớn tuổi, nhiều bệnh nền trong khi không còn lực lượng tình nguyện viên tôn giáo hỗ trợ nên nhân viên y tế phải chăm sóc nhiều hơn.
Bệnh viện dã chiến số 3 đang thiếu nhân lực có chuyên môn cao.
Bệnh viện dã chiến số 3, phường An Khánh, TP Thủ Đức hiện đang kêu gọi thêm tình nguyện viên tham gia hỗ trợ chống dịch tại đơn vị.
BS Lý Quốc Công, Trưởng khoa Lâm sàng, Bệnh viện dã chiến số 3 cho biết, trong 1 tháng qua, số ca nhập viện tại bệnh viện lên tới 1.500 ca. Hiện bệnh viện đang thiếu lực lượng nhân viên y tế chuyên môn cao.
"Sắp tới bệnh viện tiếp tục kêu gọi thêm tình nguyện viên trong và ngoài ngành để hỗ trợ điều trị, chăm sóc bệnh nhân COVID-19. Đồng thời tập trung kêu gọi lực lượng y bác sĩ có chuyên môn cao để điều trị các trường hợp F0 nặng", BS Công nói.