Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

EVN nếu tăng giá điện phải báo cáo, nếu giảm giá thì phải làm ngay

(VTC News) -

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, giá điện phải có tăng, có giảm; khi giảm là phải giảm ngay lập tức, còn tăng thì phải theo biên độ và báo cáo Bộ.

Thông tin này được Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nêu tại buổi họp báo thường kỳ chiều 19/6. Ông cho biết, để điều chỉnh giá điện, Chính phủ đã có quy định về cơ chế điều hành giá theo Quyết định số 24. Gần đây Thủ tướng ban hành Quyết định số 05 về điều chỉnh giá điện và văn bản đã có hiệu lực.

“Chúng ta đừng nghĩ giá điện chỉ có tăng, mà phải có tăng, có giảm. Khi giảm là phải giảm ngay lập tức, còn tăng thì phải theo biên độ 3%, 5%, 7% hay cao hơn nữa. Vấn đề này, Thủ tướng đã chỉ đạo rồi, phải có tăng, có giảm. Khi giá giảm, chúng tôi sẽ giám sát EVN và chỉ đạo phải giảm ngay lập tức. Còn khi tăng giá trong thẩm quyền, EVN phải báo cáo Bộ, nếu vượt quá thẩm quyền của Bộ thì phải báo cáo để Bộ trình Chính phủ; và phải đánh giá tác động kinh tế xã hội chứ không thể nói tăng là tăng”, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân nói.

Cũng theo Thứ trưởng, Bộ Công Thương đang tổ chức đoàn đi kiểm tra, đánh giá, tính toán giá điện năm 2023 của EVN, trên cơ sở đó sẽ đề xuất giá điện thời gian tiếp theo sao cho đảm bảo tính khoa học, khách quan và có công thức.

“Thời điểm nào tăng giá thì cần phải cân nhắc tính toán. Nhưng theo quyết định 05 của Chính phủ thì cứ 3 tháng một lần điều chỉnh tăng giá điện, còn giảm giá điện thì bất kỳ lúc nào”, ông Tân nói.

Thứ trưởng Tân cũng cho biết, gần đây nhất, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã họp với Uỷ ban Điều hành giá và chỉ đạo Bộ Công Thương về việc điều hành giá, trong đó có việc điều chỉnh tăng hay giảm giá điện phải có cơ sở.

Theo quyết định 05 của Chính phủ thì cứ 3 tháng một lần điều chỉnh tăng giá điện, còn giảm giá điện thì bất kỳ lúc nào. (Ảnh: EVN).

“Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng yêu cầu Bộ Công Thương trong tháng 6 này phải trình kết quả kiểm tra về giá điện. Khi có kết quả kiểm tra về giá điện, lúc đó mới có cơ sở để điều chỉnh giá cho phù hợp và có đánh giá tác động cho việc điều chỉnh tăng giá hay giảm giá”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết thêm.

Tại buổi họp báo, ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Công Thương) báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 6 tháng đầu năm 2024.

Theo đó, mặc dù tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, nhu cầu thị trường chưa phục hồi, song với nền tảng vĩ mô ổn định, các biện pháp đồng bộ hỗ trợ sản xuất trong nước, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu được triển khai quyết liệt nên sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tiếp tục có những tín hiệu tích cực.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 55/63 tỉnh thành với hơn 7,1%, trong khi đó chỉ số này năm 2023 giảm 1,2%.

Đối với hoạt động sản xuất, cung ứng điện, dù lượng điện sử dụng tăng cao nhưng trong 6 tháng đầu năm điện vẫn được cung ứng đủ cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.

“Chỉ tính riêng sản lượng điện tiêu thụ điện toàn quốc ngày 28/5 vừa qua đã đạt đỉnh kỷ lục mới là 1,0019 tỷ kWh. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, tiêu thụ điện toàn quốc trong ngày vượt 1 tỷ kWh”, ông Sơn cho biết.

Riêng đối với khu vực miền Bắc, những ngày gần đây mặc dù thời tiết nắng nóng, oi bức nhưng vẫn chưa phải đợt nóng đỉnh điểm. Tiêu thụ điện tăng cao cả về công suất và sản lượng nhưng đều chưa vượt qua đỉnh cũ. Do vậy, tiêu thụ điện ở miền Bắc sẽ còn tiếp tục tăng lên, gia tăng áp lực về cung cấp điện trong những đợt nóng cao điểm có thể diễn ra thời gian tới.

Để góp phần đảm bảo cung cấp điện trong mùa hè nắng nóng năm 2024 với xu thế bất lợi về thời tiết, EVN kêu gọi các khách hàng triệt để tiết kiệm điện, nhất là vào các giờ cao điểm trưa (từ 11h đến 15h) và tối (từ 19h đến 23h). 

PHẠM DUY

Tin mới