Hôm 3/10, đại sứ các quốc gia thành viên EU gặp nhau tại Brussels trong nỗ lực thống nhất gói trừng phạt kinh tế thứ tám đối với Nga.
Ngoài các hình phạt đối với các chính trị gia Nga, hạn chế xuất khẩu đối với hóa chất, thiết bị điện tử và linh kiện hàng không, Brussels muốn áp đặt giá trần đối với xuất khẩu dầu của Nga qua đường biển.
Nga tìm kiếm các thị trường khác để cung cấp dầu sau các lệnh trừng phạt của châu Âu. (Ảnh: Getty)
Bất chấp sự phản đối từ Hungary - quốc gia phản đối áp đặt thêm lệnh trừng phạt đối với năng lượng của Nga, và sự phản đối từ Hy Lạp, Síp và Malta, Politico dẫn nguồn quan chức ngoại giao EU cho biết “sẽ không có gói trừng phạt nào nếu không có giới hạn giá dầu”.
Việc hạn chế sẽ có hiệu lực bằng cách đặt lệnh cấm vận đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu dầu bằng đường biển từ Nga với mức giá cao hơn. Số tiền này sẽ được đặt ở mức giá cao hơn chi phí sản xuất, mục đích là khiến cho các nhà sản xuất Nga chỉ kiếm về doanh thu vừa đủ để duy trì hoạt động kinh doanh. Trong khi đó sẽ ngăn các doanh nghiệp sản xuất dầu Nga thu được nguồn lợi khổng lổ khi giá thị trường tăng vọt thời gian qua, sau lệnh trừng phạt phương Tây đối với dầu Nga.
Theo dự kiến, lệnh cấm vận có thể sẽ được thực thi bởi các công ty bảo hiểm hàng hải. Các công ty này sẽ từ chối bảo hiểm cho những lô hàng dầu có giá cao hơn mức cố định.
Tuy nhiên, Nga có thể đáp trả bằng cách từ chối vận chuyển dầu của mình cho các quốc gia trả giá thấp như vậy và bán cho những khách hàng mua dầu nước ngoài khác. Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và Ấn Độ là ba nhà nhập khẩu lớn nhất ngoài EU đối với nhiên liệu hóa thạch của Nga và không nước nào có nghĩa vụ phải tuân theo các lệnh trừng phạt mới theo dự kiến cuả EU.
Trong khi 90% đội tàu vận chuyển dầu toàn cầu được bảo hiểm bởi các công ty có trụ sở tại London (Anh), Trung Quốc và Ấn Độ đã chấp nhận bảo hiểm từ các công ty bảo hiểm của Nga.
Không chỉ phản đối giới hạn giá, Hungary còn bác bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với năng lượng của Nga, trong khi Hy Lạp, Síp và Malta có các ngành công nghiệp vận tải biển lớn lo ngại rằng gói cấm vận mới với Moskva có thể tước đi nguồn thu quan trọng của họ.