“An ninh của châu Âu cũng chính là an ninh năng lượng. Chúng tôi sẽ vận hành cảng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) nổi đầu tiên ở Wilhelmshaven vào ngày 17/12. Việc xây dựng đã bắt đầu vào tháng 7 và hiện cảng LNG đầu tiên đã sẵn sàng vận hành", Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói.
Ông Scholz cảm ơn tất cả công nhân và kỹ sư, những người đã làm nên thành tích này “trong thời gian kỷ lục”. “Nhờ có họ mà chúng ta sẽ sống tốt qua mùa đông năm nay", ông nói.
Cảng tiếp nhận LNG đầu tiên của Đức ở Wilhelmshaven. (Ảnh: AP)
Theo ông Scholz, tàu chở LNG đầu tiên dự kiến cập cảng Wilhelmshaven trong tuần này. Ông Scholz cho biết, Đức sẽ sớm vận hành cảng LNG khác ở Lubmin, Brunsbuttel và Stade.
Cụm cảng tiếp nhận khí đốt ở Wilhelmshaven có công suất 10 tỷ m3/năm, trong đó riêng từ tháng 1-3/2023 có công suất 3 tỷ m3.
Không giống như những nước châu Âu khác, Đức không có sẵn các cảng tiếp nhận LNG. Đức có kế hoạch xây dựng tổng cộng 5 cảng LNG nổi thuộc sở hữu nhà nước. Hồi tháng 9, Thủ tướng Scholz tuyên bố ông tự tin về việc Đức sẽ độc lập khỏi nguồn cung cấp khí đốt từ Nga nhờ các cảng LNG.
Đức nhập khẩu hơn một nửa lượng khí đốt qua các đường ống dẫn khí từ Nga. Sau khi Nga cắt giảm cung, Đức trở thành một trong những quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Để tìm cách bù đắp thiếu hụt nguồn cung, nước này bắt tay vào xây các nhà ga LNG nổi để nhập khẩu LNG.
Để đảm bảo nguồn cung năng lượng, Chính phủ Đức đã rót hàng tỷ euro xây dựng các cảng nhập LNG. Tuy nhiên, do chưa thể có ngay các hợp đồng lớn nên Đức vẫn phải đối mặt với giá thị trường LNG không ổn định, ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng.